Bài 1: Vẫn phải sống với cầu tõm, ô nhiễm...
Đã ba năm kể từ khi TP.HCM phủ kín toàn bộ quy hoạch phân khu 1/2.000 nhưng đến nay, nỗi khổ của người dân có nhà, đất trong quy hoạch “treo” vẫn còn dai dẳng.
Nhà ông Đỗ Kiển Bon xuống cấp trầm trọng và nhiều năm nay phải sống chung với ngập mỗi khi mưa xuống. Ảnh: VIỆT HOA
Khu dân cư ảm đạm vì “treo” suốt 22 năm
Thật khó để diễn tả sự xuống cấp của tuyến đường Hoàng Đạo Thúy (nằm giáp ranh giữa phường 7, quận 8 và xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh dẫn vào khu E, thuộc quy hoạch khu đô thị Nam TP). Hai bên đường nhà dân xập xệ, tạm bợ khiến cho cả khu dân cư trở nên hoang tàn, tối tăm và ảm đạm. Thi thoảng chúng tôi lại gặp một hồ nước nhỏ có tới bốn cầu tõm mất vệ sinh, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.
Chúng tôi đến nhà ông Đỗ Kiển Bon, 60A/2 Hoàng Đạo Thúy. Căn nhà cấp bốn xây dựng từ năm 1969 đến nay gần 50 năm nhưng chưa sửa chữa, xuống cấp trầm trọng. Trong nhà, ngoài ông Bon bị bại liệt từ nhỏ là mẹ ông năm nay đã 87 tuổi, đang bị tai biến nằm một chỗ. Ông Bon kể những tháng mùa mưa, bốn phía căn nhà ngập triền miên do không có hệ thống thoát nước. “Nhiều lúc nước ngập trong nhà hai, ba ngày mới rút. Tôi già yếu lại khuyết tật phải ngồi ngâm nước một chỗ chịu đói cho đến lúc nước rút hết mới trở lại bình thường. Có khi phải dọn một tuần mới hết đất trong nhà” - ông Bon rầu rĩ.
Ông Bon cũng cho hay từ khi có quy hoạch đến nay, đã bốn lần nhà đất ông được Ban Bồi thường huyện Bình Chánh đo đạc, hứa hẹn lập hồ sơ bồi thường. Lần cuối cùng vào năm 2006, ông ký hết mọi giấy tờ cần thiết, đến nay đã tròn 10 năm nhưng vẫn không có động tĩnh gì. Ông chỉ ao ước sớm được di dời, tái định cư đến một nơi ở mới sạch sẽ, khang trang hơn để sống nốt quãng đời còn lại. “Nhưng không biết tôi còn có cơ hội chờ được đến đó nữa không, đã chờ suốt hơn 20 năm nay rồi” - ông Bon thở dài.
Khu ga Bình Triệu: 13 năm vẫn chưa cắm mốc xong
Trong khu quy hoạch ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) là các khu dân cư xập xệ. Hàng trăm nhánh hẻm nhỏ dưới 2 m, gồ ghề, chạy ngoằn ngoèo vào sâu trong các khu dân cư. Nhà cửa của người dân cũng chắp vá, tạm bợ. Bà Nguyễn Kim Thanh ở 8/11/4 đường 46 cho biết bà mua căn nhà cấp bốn về ở đây từ năm 2001. Đến nay 15 năm, đã nâng nhà lên hai lần nhưng vẫn ngập trong nước mỗi khi có mưa lớn.
Nhà cửa cũng đã xuống cấp, dù được phép xây mới trên nền nhà cũ nhưng bà Thanh cũng không dám làm vì sợ khi Nhà nước thực hiện quy hoạch, bà không được bồi thường phần kiến trúc nhà ở. “Vợ chồng tôi chỉ là dân lao động, gom góp được tiền xây nhà đã rất khó khăn. Xây lên rồi lỡ Nhà nước có thực hiện quy hoạch thì mất hết nên không dám xây, ở vậy sống chung với ngập” - bà Thanh nói.
Trong khi đó, ông Trần Hữu Lộc ở 8/13 đường 46 thì không chịu nổi khi sống trong căn nhà đã quá xuống cấp nên vừa bỏ ra 600 triệu đồng xây lại căn nhà mới, khang trang hơn. Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho biết ông rất hoang mang vì khi Nhà nước thực hiện quy hoạch thì coi như toàn bộ số tiền bỏ ra xây nhà cũng đi tong.
Khó vì kinh phí lớn
Theo UBND quận Thủ Đức, quy hoạch ga Bình Triệu được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003 với quy mô 41 ha do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Hiện có hơn 3.200 hộ dân với hơn 15.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Trong buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng (ngày 14-6), ông Huỳnh Thanh Nhân, Bí thư Quận ủy Thủ Đức, cho biết: “Dự án “treo” quá lâu, người dân rất bức xúc vì không đủ điều kiện để xây dựng nhà cửa, hạ tầng giao thông nhỏ hẹp, hạn chế đến công tác phòng cháy chữa cháy. Môi trường ẩm thấp, ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân”. Ông Nhân cũng kiến nghị TP kiến nghị Bộ GTVT xem xét lại.
Cũng tại cuộc họp này, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, cho biết quy hoạch ga Bình Triệu nằm trong quy hoạch tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng. Để thực hiện toàn tuyến là rất khó vì kinh phí cực lớn. Riêng đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng đã mất hơn 8.000 tỉ đồng xây lắp và 15.000 tỉ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. TP.HCM cũng đã nhiều lần làm việc với Bộ GTVT và kiến nghị làm trước đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng và đưa lên cao. Trong 41 ha, hiện có 2,9 ha đất sạch, TP đã kiến nghị cho xây dựng chung cư để phục vụ tái định cư cho người dân trong dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án và thời gian thực hiện chính thức.
♦♦♦
Liên quan đến việc quy hoạch ga Bình Triệu, theo giám đốc Sở GTVT là do Cục Quản lý đường sắt thực hiện cắm ranh mốc và cơ quan này hứa sẽ hoàn thành xong, bàn giao về cho TP quản lý trong năm 2016. “Tuy nhiên, dù có cắm mốc thì vấn đề mấu chốt là quyền lợi của người dẫn bị “treo” khi chưa thực hiện quy hoạch” - ông Cường nói.
Không biết khi nào mới hết khổ 20 năm trước, tuyến đường Hoàng Đạo Thúy từng là nơi khá nhộn nhịp. Năm 2013, chúng tôi ghé khu nhà xưởng hơn 3.000 m2 của ông La Thành Phú tại 74A/3 Hoàng Đạo Thúy, ấp 1. Ông Phú kể trước khi có quy hoạch, thu nhập từ tiền cho thuê kho xưởng mỗi tháng hơn 40 triệu đồng. Tuy nhiên, khi toàn bộ nhà đất nằm trong quy hoạch thì bị rớt giá thảm, chỉ còn 7 triệu đồng/tháng. Hôm nay trở lại, khu xưởng của ông Phú đã xuống cấp trầm trọng, loe hoe mấy bóng người. Ông Phú thì không còn ở đó. Theo Ban Quản lý khu Nam TP, toàn khu E có diện tích khoảng 125 ha. Trong đó trên địa bàn Bình Chánh khoảng 81 ha, còn lại nằm trên địa bàn quận 8. Hơn 20 năm nhưng tỉ lệ bồi thường giải phóng mặt bằng chỉ đạt 36%. Cuối năm 2015, TP đang giao Sở KH&ĐT tiến hành các thủ tục để đàm phán với phía đối tác Đài Loan về tỉ lệ góp vốn giữa hai bên Việt Nam và phía Đài Loan. Do đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phải tạm ngưng, chỉ thực hiện nốt những phần đã hiệp thương với người dân ở quận 8. Hiện nay, công việc vẫn chưa xác định được ai sẽ tiếp tục bỏ tiền ra bồi thường giải phóng mặt bằng. Người dân trong quy hoạch khu E vẫn tiếp tục sống trong cảnh phập phồng. "Không biết khi nào mới hết khổ" - một người dân than. Tiêu điểm Mới đây, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng trong một buổi làm việc với UBND huyện Hóc Môn đã yêu cầu phải chấm dứt nỗi đau khổ của người dân trong quy hoạch. |