Phòng tư vấn tâm lý học đường được thành lập tại nhiều trường học; đội ngũ giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng về tư vấn tâm lý cho học sinh trong nhà trường diễn ra thường xuyên hơn so với trước đây...
Công tác tư vấn tâm lý trong trường học nhằm chia sẻ, hỗ trợ, ngăn ngừa, phát hiện và can thiệp các vấn đề tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp… cho học sinh (HS), đồng thời tư vấn cho các lực lượng giáo dục khác trong việc trợ giúp, giáo dục HS. Theo đó, đối tượng thụ hưởng không chỉ riêng HS mà còn có cả ban giám hiệu, toàn bộ cán bộ, công nhân viên nhà trường, cũng như phụ huynh HS...
Hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học vì vậy giữ vai trò rất quan trọng trong việc góp phần duy trì sức khỏe tâm thần, hỗ trợ phương pháp học tập, giải tỏa khó khăn, vướng mắc của thân chủ (người được tư vấn) ở nhiều góc độ. Đặc biệt, có thể thông qua các trắc nghiệm, đánh giá... để phát hiện tình trạng/rối loạn nghiêm trọng ở HS, từ đó chuyển các em đến các cơ sở chuyên nghiệp hoặc bệnh viện để điều trị kịp thời, chẳng hạn như rối loạn lo âu, trầm cảm, ý định tự tử...
Tôi đề xuất bốn giải pháp để công tác tư vấn tâm lý học đường được thực chất như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về công tác tư vấn tâm lý học đường.
Thứ hai, bồi dưỡng chuyên môn không ngừng. Phòng tư vấn tâm lý học đường ưu tiên số 1 là chuyên môn của người phụ trách. Chuyên viên/giáo viên (GV) tư vấn nên được đào tạo bài bản và cập nhật liên tục về tâm lý học/tâm lý học đường. Trường hợp bất khả kháng, phải vận động/phân công GV kiêm nhiệm thì GV này phải có phẩm chất, đạo đức và kỹ năng phù hợp như biết lắng nghe, hoạt ngôn, kiểm soát cảm xúc tốt, được bồi dưỡng chuyên môn ở mức cơ bản trở lên để đáp ứng công việc. Hạn chế việc tư vấn theo kinh nghiệm, đặc biệt là thiếu am hiểu về nguyên tắc đạo đức tư vấn, làm lộ bí mật/thông tin thân chủ, gây hại/ảnh hưởng xấu đến đời sống cá nhân thân chủ.
Thứ ba, tích cực truyền thông. Đến thời điểm hiện tại, không ít nhà quản lý hoặc GV còn quan niệm rằng: Phòng tư vấn tâm lý chỉ dành cho HS hư, cho trẻ có vấn đề hay người bệnh tâm lý mới cần vào. Một số phụ huynh và bạn bè HS cảm thấy ái ngại hoặc không có ý định gặp chuyên viên tư vấn vì những định kiến sai lầm này, thậm chí không tin tưởng hay bài xích phòng tư vấn. Nhà trường cần thực hiện truyền thông đa phương tiện qua giờ phát thanh, bảng tin, giờ sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt lớp, mời chuyên gia báo cáo... để toàn thể nhà trường hiểu đúng về công tác tư vấn tâm lý, ai cũng có thể đến, bất kể tình trạng tinh thần.
Thứ tư, chuyên viên tư vấn phải linh hoạt, năng động. Công tác tư vấn học đường không chỉ là hoạt động trò chuyện, gợi mở để thân chủ tự đưa ra quyết định và chỉ diễn ra trong không gian phòng tư vấn. Tư vấn tâm lý còn có nhiều mục đích/chức năng khác mà người tư vấn cần nắm rõ để thực hiện sao cho linh hoạt, đồng bộ và hiệu quả. Chẳng hạn như phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với HS đang gặp khó khăn về tâm lý; góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường; hỗ trợ HS rèn luyện kỹ năng sống; tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội; rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách... cũng như tham mưu, hỗ trợ ban giám hiệu, GV, phụ huynh trong các hoạt động có liên quan đến tâm lý lứa tuổi, giáo dục HS.