Vào mùa hè, hải sản trở thành món ăn được nhiều người lựa chọn khi đi biển hoặc mua về nhà để thưởng thức. Không thể phủ nhận những dinh dưỡng mà hải sản mang lại, tuy nhiên trên thực tế số người bị ngộ độc do hải sản trên thế giới rất lớn bởi những sơ suất trong quá trình chọn lựa, chế biến và tiêu thụ.
Trang Livestrong và Healthy24h đã tổng hợp những sai lầm cần tránh khi ăn hải sản:
1. Ăn hải sản chưa nấu chín
Theo Livestrong, hầu hết các loại hải sản đều chứa vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, có khả năng chịu nhiệt cao, ít nhất phải hơn 80 độ C. Hơn nữa, môi trường nước, nơi các loại hải sản sinh sống có chứa nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh. Trong quá trình đánh bắt, vận chuyển và chế biến, hải sản cũng có nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh từ bên ngoài.
Hải sản phải được nấu chín để tránh ngộ độc thực phẩm. Ảnh: TH
Do đó, khi chế biến hải sản cần đun sôi nước khoảng 4 -5 phút để khử trùng, tránh nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh và ký sinh trùng. Các chuyên gia sức khỏe cũng khuyến cáo mọi người không nên ăn hải sản sống hoặc hải sản ngâm rượu, ướp, chưa qua chế biến. Có một số loài hải sản mang nhiều độc tố gây ngộ độc cho người ăn, thậm chí có thể tử vong.
2. Vừa ăn hải sản, vừa uống bia rượu
Lượng purine có ở hải sản, trong quá trình trao đổi chất của con người sẽ hình thành axit uric, axit uric dư thừa có thể gây ra bệnh gút và các bệnh khác. Ăn nhiều hải sản cùng một lúc, và sau đó uống bia, nó sẽ tăng tốc độ cơ thể của sự hình thành axit uric. Lượng axit uric dư thừa sẽ tích tụ tại các khớp xương hoặc các mô mềm từ đó dễ dàng mắc chứng gút, viêm khớp xương và mô mềm, vô cùng có hại cho sức khỏe.
3. Ăn trái cây ngay sau khi ăn hải sản
Khi ăn hải sản xong, để đánh tan mùi tanh đặc trưng của đồ biển, nhiều người thường chọn trái cây để làm giải pháp. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều đó là không nên. Bởi những chất dinh dưỡng phong phú như đạm, canxi chứa trong tôm, cá sẽ bị giảm đi rất nhiều nếu kết hợp với các loại quả như hồng, nho, lựu, sơn trà, thanh quả. Thêm vào đó, thành phần hóa học của các loại hoa quả này lại dễ dàng kết hợp với canxi có trong hải sản hình thành nên một chất khó tiêu hóa dẫn đến đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, hải sản vốn dĩ đã có sẵn tính hàn, do đó khi ăn tốt nhất nên tránh ăn kèm với những thực phẩm mang tính hàn khác (dưa chuột, dưa hấu, lê, những đồ uống có gas, nước lạnh…) dễ gây cảm giác khó chịu, đầy bụng, khó tiêu.
4. Hải sản lưu trữ đông lạnh quá lâu
Khác với các loại thịt, trong hải sản chứa rất nhiều loại vi khuẩn có thể chịu được nhiệt độ thấp. Bởi vậy, bất kỳ loại hải sản nào cũng nên được chế biến ở trạng thái tươi ngon.
Với những hải sản được trữ quá lâu trên ngăn đá chỉ thích hợp để xào, chiên, hạn chế luộc hay hấp. Sau thời gian cất trữ, vi khuẩn dần hình thành, protein mất đi nhiều, hương vị không còn… nên chế biến ở nhiệt độ cao sẽ an toàn cho sức khỏe hơn.
Như vậy, để an toàn khi ăn hải sản, theo Trung tâm Truyền thông- Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng, người tiêu dùng cần lưu ý:
- Độc tố trong hải sản ít khi được loại bỏ bằng cách nấu ăn hoặc làm đông lạnh.
- Không nên ăn các loại hải sản sống ở vùng nước bị nghi ô nhiễm.
- Ăn các đồ hải sản có nguồn gốc, nấu chín. Thận trọng khi ăn các loại hải sản lạ.
Không nên ăn hải sản lạ, không rõ nguồn gốc. Ảnh: TH
Tuyệt đối không được ăn các loại hải sản có độc như: cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, sam biển, sao biển... Người tiêu dùng có thể tham khảo các nguồn thông tin khác và hỏi thêm người dân địa phương. Các loại độc tố này thường không bị phá hủy bởi nhiệt nóng khi đun nấu và các biện pháp chế biến thông thường.
- Khi có những dấu hiệu nghi ngờ bị ngộ độc cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.