4 lưu ý giúp bạn an toàn khi lưu thông qua đường sắt

(PLO)-  Người tham gia giao thông có thể bị phạt đến 1 triệu đồng nếu như di chuyển xe quá gần đường sắt.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gần đây, thông tin về việc TP Hà Nội đóng cửa khu phố cà phê đường sắt nhận được sự quan tâm của nhiều người. Có thể thấy, việc lấn chiếm đường sắt và khu vực xung quanh đường ray tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ra tai nạn giao thông. Pháp luật hiện nay cũng đã quy định rõ những hành vi bị cấm với những mức phạt cụ thể. Dưới đây là những hành vi vi phạm mà người tham gia giao thông qua đường sắt dễ mắc phải.

Người dân chấp hành tín hiệu đường sắt trên đường Hoàng Văn Thụ, TP.HCM. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG
Người dân chấp hành tín hiệu đường sắt trên đường Hoàng Văn Thụ, TP.HCM. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG

1. Đi hoặc đứng trên đường ray

Theo Điều 49 Nghị định 100/2019 (được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021), các hành vi đi, đứng, nằm hay ngồi trên đường sắt đều là những hành vi bị cấm. Cụ thể, các hành vi trên sẽ bị xử phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng, trừ nhân viên đường sắt, lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ.

Ngoài ra, ở nhiều thành phố có xây dựng các tường rào quanh đường sắt để đảm bảo an toàn giao thông. Việc vượt tường rào, hàng rào ngăn cách giữa đường sắt với khu vực xung quanh cũng sẽ bị xử phạt cùng số tiền phạt.

2. Tự mở lối đi qua đường sắt

Điều 51 Nghị định 100/2019 cũng quy định cụ thể việc tự mở các lối đi qua đường sắt sẽ bị phạt. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000-20.000.000 đồng đối với cá nhân, và từ 20.000.000-40.000.000 đồng đối với tổ chức.

Ngoài việc phải nộp tiền phạt, người vi phạm cũng buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đường đã bị thay đổi do vi phạm gây ra.

3. Vượt qua rào chắn đường ngang khi có đèn đỏ

Tùy vào các loại phương tiện mà cơ quan chức năng sẽ có mức phạt cụ thể cho hành vi vượt rào chắn đường ngang hoặc không chấp hành hiệu lệnh của nhân viên đường sắt khi đèn báo đỏ.

Cụ thể, điều 47 của nghị định 100/2019 quy định mức phạt dành cho người điều khiển xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, vượt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng là từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 600.000-1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe gắn máy vượt rào chắn đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng. Đối với người điều khiển xe đạp, mức phạt sẽ là từ 00.000 đồng đến 200.000 đồng.

Phạt tiền từ 60.000-100.000 đồng đồng đối người đi bộ với có những hành vi tương tự.

4. Lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt

Người đi bộ cũng cần đảm bảo khoảng cách an toàn khi di chuyển gần đường sắt vì nếu đứng hoặc di chuyển quá gần đường sắt khi có tàu đi qua sẽ dễ gây ra các vụ tai nạn. Dựa vào tiêu chuẩn của hành lang an toàn đường sắt, người tham gia giao thông sẽ biết được vị trí nào là an toàn khi đến gần đường sắt.

Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 56/2018 về hành lang an toàn giao thông đường sắt, chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên là 5m đối với đường sắt tốc độ cao trong khu vực đô thị và 15m ngoài khu vực đô thị. Đối với đường sắt thông thường, chiều rộng hành lang an toàn đường sắt là 3m.

Một chiếc xe máy ngang nhiên đỗ phía bên trong phần đường sắt. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG
Một chiếc xe máy ngang nhiên đỗ phía bên trong phần đường sắt. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG

Việc dừng, đỗ xe ở khu vực hành lang an toàn là hành vi bị cấm. Nghị định 100/2019 quy định phạt tiền từ 200.000-300.000 đồng người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt.

Mức phạt áp dụng cho người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm các hành vi tương tự là từ 800.000 đồng-1.000.000 đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm