45 nước phương Tây yêu cầu Nga trả lời khẩn cấp về vụ đầu độc ông Alexei Navalny

Hãng AFP đưa tin một nhóm 45 quốc gia phương Tây tại cơ quan giám sát vũ khí độc hại toàn cầu ngày 5-10 đã yêu cầu Nga phải đưa ra câu trả lời khẩn cấp về vụ nhân vật đối lập Alexei Navalny bị đầu độc.

Moscow có 10 ngày để trả lời các câu hỏi của Liên minh châu Âu (EU) và các nước bao gồm Mỹ, Canada và Úc, theo quy định của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW).

Nhân vật đối lập Alexei Navalny. Ảnh: AP

Các quốc gia phương Tây nói rằng nhân vật đối lập Navalny đã bị đầu độc ở Nga bằng chất độc thần kinh Novichok từ thời Liên Xô vào tháng 8-2020. Ông Navalny đã được điều trị ở Đức trước khi trở về Nga, nơi nhân vật này hiện bị giam giữ trong tù.

Moscow luôn phủ nhận có liên quan vụ ông Navalny bị đầu độc.

“Điều cần thiết là Nga phải vạch ra chi tiết các bước thực hiện để điều tra và làm sáng tỏ việc sử dụng vũ khí hóa học trên lãnh thổ của mình” - tuyên bố của 45 quốc gia hôm 5-10 nêu rõ.

Các nước phương Tây cũng yêu cầu Nga giải thích lý do tại sao họ đã trì hoãn chuyến thăm của các thanh tra OPCW để điều tra về chất Novichok.

"Nga có 10 ngày để trả lời" - các đại biểu Anh cho biết trên trang Twitter.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington đã kết luận rằng các đặc vụ từ cơ quan tình báo FSB của Nga đã đầu độc ông Navalny bằng cách sử dụng Novichok, chất độc mà họ cho rằng chỉ có Moscow sở hữu.

"Không thể có sự miễn trừng phạt cho những hành động như vậy" – Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.

“Việc Nga tiếp tục thiếu minh bạch và hợp tác xung quanh vụ đầu độc là điều đặc biệt đáng lo ngại” – cơ quan này nhấn mạnh.

Theo AFP, OPCW - có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) - trước đó đã xác nhận rằng các mẫu lấy từ ông Navalny do Đức cung cấp cho kết quả dương tính với chất Novichok.

Nếu câu trả lời của Nga được cho là không thỏa đáng, theo Công ước Vũ khí Hóa học, các nước có quyền yêu cầu Moscow “làm rõ thêm” và sau đó yêu cầu cho phép một nhóm chuyên gia điều tra.

Nếu vấn đề vẫn chưa được giải quyết sau 60 ngày, họ có thể triệu tập các phiên họp đặc biệt của Hội đồng điều hành OPCW - cơ quan hoạch định chính sách gồm 41 thành viên sẽ họp trong tuần này - và nếu cần, của tất cả 193 quốc gia thành viên OPCW.

Các quốc gia bị coi là không tuân thủ Công ước về vũ khí hóa học có thể bị đình chỉ quyền biểu quyết, như đã xảy ra vào tháng 4 đối với Syria. 

Bản thân ông Navalny đã quy trách nhiệm cho Tổng thống Nga Vladimir Putin về vụ đầu độc. Lãnh đạo phe đối lập đã bị bắt khi trở về sau khi điều trị ở Đức vào tháng 1-2020 và bị bỏ tù với cáo buộc “gian lận”.

Trong khi đó, Anh cho biết họ sẽ tiếp tục gây sức ép với Nga về vụ tấn công bằng Novichok hồi năm 2018 nhằm vào một cựu điệp viên hai mang ở thành phố Salisbury của Anh.

Ông Sergei Skripal và con gái đã phải chiến đấu vì sự sống sau vụ tấn công, trong khi một cảnh sát điều tra vụ án bị ốm nặng và một phụ nữ địa phương tiếp xúc với chất độc thần kinh sau đó đã tử vong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới