5 đề xuất giảm áp lực cho doanh nghiệp khi lương tối thiểu tăng 6%

(PLO)- Để việc tăng lương tối thiểu vùng 6% vào ngày 1-7 tới đây được thực thi suôn sẻ thì các bên liên quan cần tiến hành thêm một số giải pháp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau nhiều lần trì hoãn, hội đồng cải cách tiền lương quốc gia đã thống nhất chốt phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vào ngày 1-7-2022 với kỳ vọng cải thiện thu nhập cho người lao động.

Sau hai năm chưa điều chỉnh lương tối thiểu, trong khi rất nhiều loại hàng hóa thiết yếu tăng giá thì việc tăng lương tối thiểu vùng 6% tuy không cao nhưng đây là sự chia sẻ với người lao động.

Việc tăng lương tối thiểu vào ngày 1-7-2022 với kỳ vọng cải thiện thu nhập cho người lao động. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Việc tăng lương tối thiểu vào ngày 1-7-2022 với kỳ vọng cải thiện thu nhập cho người lao động. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Dự báo áp lực từ tăng lương tối thiểu

Tác động của tăng lương tối thiểu với những người lao động là những người đã nghỉ hưu, người lao động tự do sẽ phải hứng chịu sự tăng giá của các sản phẩm mà họ có nhu cầu tiêu thụ. Những người đang đi làm trong các doanh nghiệp lại hứng chịu thêm việc gia tăng các chi phí khác như các khoản phí bảo hiểm, hay chịu sức ép về tăng năng suất từ giới chủ.

Các doanh nghiệp cũng chịu tác động từ việc tăng lương này. Những doanh nghiệp sản xuất có sự thâm dụng lao động cao sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn khi gia tăng chi phí lao động, dẫn đến nguy cơ gia tăng giá thành sản phẩm đầu ra làm cho khả năng cạnh tranh của họ bị suy giảm.

Mức lương tối thiểu tăng cũng có nghĩa là buộc người mua là các chủ sử dụng lao động phải trả cho người bán là những người lao động giá cả cao hơn giá trị, điều này thúc đẩy giới chủ tạo sức ép để người lao động tạo ra năng suất nhiều hơn để bù đắp vào mức chênh lệch giữa giá cả và giá trị. Khi ấy mâu thuẫn trong doanh nghiệp có thể gia tăng và quan hệ lao động có thể xấu đi.

Ngoài ra các khoản đóng góp bắt buộc tính trên tỷ lệ phần trăm của tiền lương cũng thường được lên kế hoạch từ đầu năm nên khả năng thay đổi tạo sức ép đáng kể và doanh nghiệp có xu thế đẩy phần này sang cho người lao động bằng cách thay đổi các hệ số lương. Nếu không kiểm soát tốt các khoản tăng của chi phí, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn dẫn đến thu hẹp sản xuất hay thậm chí phá sản.

Các nhà kinh tế luôn coi sức lao động là một loại hàng hóa đặc biệt. Những người có sức lao động sẽ có mong muốn bán nó được giá cao và những người đi thuê mướn lao động thường có xu thế trả giá thấp. Nếu thị trường lao động hoàn hảo tự nó sẽ cân bằng, người mua và người bán sẽ chọn ra một điểm phù hợp để trao đổi sức lao động và nhận về tiền lương cũng là giá cả của sức lao động.

Những người có kỹ năng làm việc tốt hơn, năng suất lao động cao hơn, hay những ngành nghề khó đòi hỏi phải mất nhiều thời gian và chi phí học tập như ngành Y, ngành Luật… sẽ có mức lương cao hơn là những lao động giản đơn hay có thời gian đào tạo ngắn hơn, đơn giản hơn.

Nhưng thực tế trong xã hội thì nhóm những người yếu thế thường khó có cơ hội tiếp cận các thành quả của khoa học kỹ thuật hay giáo dục đào tạo nâng cao kỹ năng và tay nghề thường, hoặc có sức khỏe yếu thường có xu hướng bị bóc lột và tận dụng sức lao động để đem lại lợi ích cho giới chủ. Điển hình là các đối tượng nữ ở nông thôn, những người chưa được đào tạo kỹ năng, những bà con dân tộc thiểu số, những người lao động lớn tuổi trong các doanh nghiệp lao động nặng nhọc… họ xác suất có mức thu nhập dưới mức tiền lương tối thiểu rất cao. Chính vì vậy, chính sách lương tối thiểu được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để bảo vệ họ.

Để doanh nghiệp không bị áp lực khi tăng lương tối thiểu

Sau một thời gian dài khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tăng lương tối thiểu vào ngày 1-7 tới đây sẽ là một áp lực tiếp theo của các doanh nghiệp.

Để việc tăng lương tối thiểu được thực thi suôn sẻ thì các bên liên quan cần tiến hành thêm một số biện pháp như sau:

Thứ nhất: Các doanh nghiệp cần nghiên cứu đề xuất thay đổi quy trình sản xuất, hợp lý hóa, số hóa để giảm bớt các khâu trung gian, thời gian chết hay các thao tác thừa để thúc đẩy năng suất lao động gia tăng, tiết giảm các chi phí không hợp lý.

Thứ hai: Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu thúc đẩy thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động nói chung và công nhân nói riêng. Đây là đối tượng chịu nhiều áp lực chi phí cho vấn đề thuê nhà để ở.

Thứ ba: Các cơ quan thanh tra lao động cần tăng cường giám sát xử phạt những cơ sở trả lương thấp hơn mức tối thiểu, đồng thời các tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động cũng thương lượng với giới chủ để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, không đẩy cao mâu thuẫn dẫn đến các quan hệ lao động bị đổ vỡ.

Thứ tư: Nhà nước có chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đào tạo nâng cao tay nghề cho người công nhân, cho những người lao động giúp họ có kỹ năng làm việc tốt hơn từ đó họ có năng suất cao hơn và thu nhập cao hơn.

Thứ năm: Nhà nước khuyến khích dòng vốn đầu tư vào các vùng kinh tế khó khăn, miền núi hay địa bàn nông thôn để giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người lao động. Tạo nhiều việc làm sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp cạnh tranh trong tuyển dụng lao động và đẩy đơn giá lao động lên mức cao hơn.

Như vậy, thúc đẩy tăng năng suất lao động để tăng lương, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp các nhà đầu tư gia tăng sản xuất, xây dựng thêm nhiều nhà máy xí nghiệp tạo nhiều vị trí việc làm thu hút lao động, tạo cơ hội về nhà ở cho người lao động là những giải pháp thực thi song song với chính sách lương tối thiểu sẽ giúp cả doanh nghiệp, người lao động và nhà nước cùng hưởng lợi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm