“Đây là lần đầu tiên, Hải Phòng tổ chức hội nghị với danh nghĩa Thường trực Thành ủy gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp. Qua đó truyền đi thông điệp về sự trân trọng, đề cao sự đóng góp, vai trò của doanh nghiệp đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của thành phố trong quá khứ, hiện tại và tương lai”.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nói lời chân thành với 600 đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp có hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, trong Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp năm 2023, sáng nay, 19-8.
Quang cảnh cuộc đối thoại. Ảnh: ĐT |
Đoàn kết, tự hào, tự cường...
Ông Châu cho biết, cuộc đối thoại này, Thường trực Thành ủy chọn chủ đề “Doanh nghiệp Hải Phòng đoàn kết, tự hào, tự cường và phát triển bền vững”.
Đây cũng là kỳ vọng của lãnh đạo, cùng toàn thể Nhân dân thành phố cảng về đội ngũ doanh nghiệp Hải Phòng đoàn kết vượt khó, tương trợ lẫn nhau; phát huy tình yêu đất nước, sự tự hào về quê hương Hải Phòng trở thành động lực vươn lên, tự lực, tự cường, phát triển bền vững.
Thường trực Thành uỷ Hải Phòng đối thoại với các doanh nghiệp. Ảnh: ĐT |
Bí thư Hải Phòng bày tỏ mong muốn lắng nghe đầy đủ, toàn diện những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó từng bước tìm ra giải pháp thích hợp để tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, ổn định và mở rộng sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của địa phương.
Và điều quan trọng là người đứng đầu Đảng bộ Hải Phòng mong nhận được những ý kiến, kiến nghị, đề xuất từ doanh nghiệp để thành phố vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hải Phòng lần thứ 16.
“Lãnh đạo thành phố cam kết luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết thấu đáo ngay tại Hội nghị đối với những kiến nghị, đề xuất, hiến kế chính đáng từ phía doanh nghiệp, và tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền của thành phố” – Bí thư Lê Tiến Châu cam kết.
5 điều gửi gắm
Tại hội nghị đối thoại, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị tập trung vào các nhóm vấn đề như đầu tư, đấu thầu, du lịch, thủ tục hành chính, bảo hiểm xã hội…
Trong đó, nhóm lĩnh vực mà doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc là đất đai (đặc biệt là tiếp cận đất đai), xây dựng, giao thông vận tải; các vấn đề tài chính, thuế, tín dụng...
Đại diện doanh nghiệp Hải Phòng nêu ý kiến. Ảnh: ĐT |
Ông Châu đánh giá, đây đều là những những ý kiến, nguyện vọng và có thể nói là nỗi lòng hết sức chính đáng, trách nhiệm của các doanh nghiệp.
“Cá nhân tôi, cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy sẽ chủ động, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo để những cam kết ngày hôm nay với doanh nghiệp sớm có kết quả; phúc đáp phần nào những mong mỏi, tâm tư, nguyện vọng và khát vọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thành phố” – ông Châu nói.
Bí thư Hải Phòng khẳng định chủ trương nhất quán của thành phố là: Doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp Hải Phòng là sức mạnh nội tại, là nguồn lực tự cường của thành phố, cùng chung tương lai, cộng đồng trách nhiệm vì Nhân dân, vì sự phát triển của thành phố và cả nước.
Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐT |
Chia sẻ thêm về các nhiệm vụ, giải pháp thành phố sẽ thực hiện trong thời gian tới, ông Lê Tiến Châu cho biết sẽ tạo mọi điều kiện, cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.
Ông cũng gửi gắm 5 mong muốn tới cộng đồng doanh nghiệp Hải Phòng:
Thứ nhất, doanh nghiệp chủ động hơn trong nghiên cứu, đóng góp, hiến kế cho thành phố những giải pháp, lối ra, chứ không chỉ là than vãn khó khăn, nút thắt.
Thứ hai, mỗi doanh nghiệp cần phải tự thay đổi, tự đổi mới để bắt kịp xu thế mới, mở rộng thị trường phát triển, cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng dịch vụ thì mới có thể cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hiện này.
Thứ ba, doanh nghiệp cần luôn nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật, tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật trong đầu tư kinh doanh và các nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội.
Thứ tư, luôn quan tâm đến việc thực hiện văn hóa trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, với cộng đồng.
Thứ năm, các hoạt động sản xuất kinh doanh phải gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường và duy trì hệ sinh thái gắn với sản xuất kinh doanh giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững.
Ông Châu tâm sự: “Mặc dù mới được Bộ Chính trị phân công về công tác, nhưng tôi cảm nhận sâu sắc rằng, người Hải Phòng và những người được sống trong văn hóa Hải Phòng đều rất yêu Hải Phòng và mong muốn Hải Phòng phát triển.
Chính vì vậy, tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Hải Phòng hãy biến tình yêu quê hương, niềm tự hào về Người Hải Phòng trở thành động lực, sức mạnh, gắn kết cộng đồng doanh nghiệp Hải Phòng; chia sẻ kinh nghiệm, tích cực hợp tác, tương trợ lẫn nhau, xây dựng ngày càng nhiều doanh nghiệp Hải Phòng có tâm, có tầm, đúng chất Hải Phòng, nỗ lực lao động, sản xuất, kinh doanh vì sự phát triển của thành phố”.