Ngày 9-8, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) đã phối hợp với Sở TN&MT TP tổ chức Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai.
Các doanh nghiệp nêu nhiều vướng mắc tại buổi đối thoại. Ảnh: KIÊN CƯỜNG |
Chưa rõ số phận thương xá Tax
Đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra) cho biết công ty đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương làm chủ đầu tư thực hiện dự án trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng và khách sạn tại vị trí thương xá Tax từ năm 2010.
Theo đó, diện tích đất thuộc dự án gồm hai phần. Phần 1: Với diện tích thuộc thương xá Tax, UBND TP có quyết định giao Satra quản lý và quyết định giao tài sản cố định để chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên.
Phần 2: Với diện tích thuộc Nhà nước quản lý và sở hữu cá nhân, Satra tạm ứng tiền thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án phê duyệt của UBND TP. Công ty cũng đã hoàn tất công tác bồi thường, hỗ trợ di dời toàn bộ trên diện tích này.
Bên cạnh đó, Satra cũng đã thực hiện một số công việc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như quy hoạch tổng mặt bằng phương án kiến trúc; công tác bảo tồn theo chỉ đạo của UBND TP; báo cáo đánh giá tác động môi trường...
Thế nhưng Satra lại chưa được chính thức giao làm nhà đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư 2014 và chưa được giao đất thực hiện dự án theo Luật Đất đai 2013. “Nếu công ty không được giao làm nhà đầu tư dự án, không được giao đất thực hiện dự án… mà nhà đầu tư nước ngoài trúng đấu giá quyền sử dụng đất và được chọn làm nhà đầu tư dự án thì các chi phí của công ty đã thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như đã đề cập sẽ được giải quyết như thế nào?” - Satra nêu câu hỏi.
Liên quan vấn đề này, ông Võ Công Lực, Trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở TN&MT TP, giải đáp: UBND TP.HCM đã có chỉ đạo tại công văn ngày 26-1. Theo đó, giao Sở Tài chính hướng dẫn Satra lập phương án xử lý, sắp xếp nhà đất trình thẩm định, phê duyệt theo quy định. Đồng thời giao Sở TN&MT, Sở KH&ĐT căn cứ phương án được phê duyệt để báo cáo, đề xuất UBND TP lựa chọn nhà đầu tư hoặc thực hiện quản lý khu đất theo phương án.
“Do đó, sau khi UBND TP phê duyệt phương án, Sở TN&MT TP sẽ thực hiện theo quy định” - ông Lực thông tin.
“Có hơn 50 mâu thuẫn tồn tại giữa các luật thì chúng ta khó làm tốt được.”
Ông Nguyễn Toàn Thắng
Tám năm vẫn chưa được ký hợp đồng
Cũng tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Thanh Thảo, đại diện Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn, cho biết đơn vị đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục đất đai.
“Các khu đất của tổng công ty đã được phê duyệt phương án xử lý tổng thể và đã có quyết định của UBND TP về việc cho thuê đất từ năm 2014; UBND TP giao cho Sở TN&MT thực hiện ký hợp đồng thuê đất nhưng đến nay tám năm trôi qua, chúng tôi vẫn chưa được ký hợp đồng này” - bà Thảo dẫn chứng.
Nhiều công ty khác cũng nêu gặp khó khăn, vướng mắc liên quan thủ tục đất đai. Đơn cử, đại diện Công ty MTV Dịch vụ công ích quận 4 đề nghị xem xét xác định nghĩa vụ tài chính đối với phần đất ở bổ sung khu nhà ở phường 3, quận 4; Tổng công ty Bến Thành - TNHH MTV thì cho biết năm 2015 đơn vị này đã nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cho các sở, ngành của TP nhưng do chưa có hợp đồng thuê đất nên đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Làm tốt hơn để doanh nghiệp bớt phiền hà
“Qua buổi gặp gỡ này, chúng tôi rất cầu thị, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp và sẽ có trả lời cụ thể. Cái nào thuộc trách nhiệm của chúng tôi thì chúng tôi sẽ thực hiện; cái nào thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp thì doanh nghiệp thực hiện” - ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cam kết.
Theo ông Thắng, sở sẽ rà soát những vấn đề, vướng mắc mà doanh nghiệp nêu tại buổi đối thoại. Từ đó xem trong quá trình thực hiện chức năng tham mưu, giải quyết còn điều gì thiếu sót, tồn tại sẽ có giải pháp khắc phục.
“Có những cái mình còn chậm, có những cái mình trả lời chưa đầy đủ; có những công việc làm chưa tốt thì sở sẽ giải quyết làm sao làm tốt hơn để doanh nghiệp bớt đi phiền hà, bớt những vấn đề còn tồn tại” - ông Thắng thẳng thắn.
Ngoài ra, theo giám đốc Sở TN&MT TP, hiện quy định pháp luật vẫn còn chồng chéo, khiến bản thân cơ quan thực thi pháp luật cũng gặp khó khăn và các doanh nghiệp cũng vậy. Cuối tuần vừa qua, TP.HCM họp với Bộ TN&MT và các bên để lấy ý kiến sửa Luật Đất đai thì thấy có rất nhiều bất cập.
“Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng và các luật có liên quan, trong đó có hơn 50 mâu thuẫn tồn tại giữa các luật thì chúng ta khó làm tốt được. Chính vì vậy, TP.HCM và các địa phương đã kiến nghị các luật phải phù hợp với nhau thì mới triển khai nhanh được” - ông Thắng phân tích.
Ví dụ như Luật Đất đai ban hành năm 2013, có trên 25 nghị định và thông tư hướng dẫn luật kèm theo. Và một cán bộ thụ lý phải rà soát bấy nhiêu thông tư, nghị định đó khi xử lý các hồ sơ.
Giám đốc Sở TN&MT TP đúc kết hiện có năm nhóm vướng mắc chính về lĩnh vực đất đai của doanh nghiệp nhà nước gồm: Gia hạn các khu đất đang sử dụng; vướng mắc về hợp đồng; cấp chứng nhận; tính tiền sử dụng đất và trả lại một số khu đất không thuộc lĩnh vực ngành nghề của mình. “Sở sẽ tham mưu cho UBND TP để đưa ra các giải pháp giải quyết năm nhóm vướng mắc này trong thời gian tới” - ông Thắng cam kết.•
Thương xá Tax hiện nay chỉ là bãi đất trống (khu đất trống bên tay phải). |
Khu đất vàng bị bỏ trống nhiều năm
Sau khi tháo dỡ thương xá Tax vào tháng 10-2016, khu đất này bị bỏ trống. Ngày 23-7 vừa qua, UBND quận 1 đã có văn bản đề xuất UBND TP.HCM dùng tạm khu đất trống góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ, nơi từng là thương xá Tax, để làm bãi giữ xe.
Bên cạnh đó, UBND quận 1 đề nghị Satra cho sử dụng tạm khu đất trên bố trí làm bãi giữ xe cho khách tham quan và sẽ hoàn trả ngay khi UBND TP.HCM có chỉ đạo.