5 trụ cột phát triển kinh tế xã hội Bạc Liêu nhiệm kỳ mới

Ngày 6-6, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG) cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu, góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025.

PGS-TS Huỳnh Thành Đạt cùng đoàn công tác là các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của ĐHQG TP.HCM góp ý dự thảo văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: VIỆT HOA

Trong dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội, UBND tỉnh Bạc Liêu đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá trong phát triển kinh tế xã hội trong nhiệm kỳ mới. Trong đó, năm trụ cột gồm: đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, thuỷ sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn và Bạc Liêu định hướng trở thành vùng nuôi tôm đứng đầu các tỉnh ĐBSCL và cả nước.

Trụ cột thứ hai là phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện khí), xây dựng mô hình công nghiệp sạch. Ngoài ra còn có các trụ cột khác như phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; tăng cường phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.

Ba nhiệm vụ được tỉnh Bạc Liêu đưa vào chương trình đột phá: thực hiện các dự án phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch quốc gia. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đủ năng lực, bản lĩnh, khát vọng phát triển. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông như hàng không, cảng biển…

Với những tiềm năng, lợi thế của tỉnh về nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là tôm, Bạc Liêu đang phấn đấu xây dựng địa phương này thành trung tâm phát triển ngành tôm sạch, đứng đầu cả nước, trở thành “thủ phủ” tôm của ĐBSCL và cả nước.

Tại buổi đóng góp ý kiến, các giáo sư đầu ngành ĐHQG đánh giá Bạc Liêu là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế trong tiểu vùng bán đảo Cà Mau. Bạc Liêu có nhiều điều kiện để xây dựng thành một tỉnh phát triển hàng đầu trong tiểu vùng và trong các tỉnh ĐBSCL.

Ông Huỳnh Thành Đạt và các nhà khoa học đến từ trường ĐHQG TP.HCM cho rằng để làm được điều này, Bạc Liêu cần đẩy mạnh liên kết vùng, đầu tư phát triển hạ tầng, logistic, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thay đổi toàn diện về cách làm du lịch….  

PGS-TS Huỳnh Thành Đạt cũng cam kết ĐHQG TP.HCM sẽ đồng hành hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu thực hiện thành công nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ tới. Đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ.

Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Bạc Liêu tiếp thu các ý kiến góp ý của các nhà khoa học. Ảnh: VIỆT HOA

Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương tiếp thu toàn bộ đóng góp của Ủy viên Truong ương Đảng Huỳnh Thành Đạt cùng các nhà khoa học của ĐHQG TP.HCM.

Ông Dương cho rằng những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học sẽ giúp văn kiện của Đại hội Đảng bộ tỉnh có chiều sâu, có hàm lượng trí tuệ cao. “Tỉnh cũng đã lấy ý kiến đông đảo các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành trung ương và địa phương để hoàn thiện dự thảo văn kiện. Với cách xây dựng văn kiện như vậy, chúng tôi tin chắc rằng, văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh sẽ tập hợp được trí tuệ tổng hợp, là định hướng cho các nhiệm kỳ sau phát triển”, ông Dương nói.

Trước đó, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt cùng đoàn công tác cũng đã có buổi thăm và làm việc với trường Đại học Bạc Liêu, một trong những cơ sở được kỳ vọng sẽ là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Bạc Liêu và tiểu vùng bán đảo Cà Mau. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới