6 điểm nhấn quan trọng và 5 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện quy hoạch TP.HCM

(PLO)- Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu bật sáu điểm nhấn trong quy hoạch TP.HCM, đồng thời nêu ra năm việc trọng tâm mà TP cần thực hiện thời gian tới.

Chiều 4-1, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch TP.HCM).

Tham dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo bộ, ngành, TP.HCM.

Hội nghị công bố Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sáu điểm nổi bật trong quy hoạch TP.HCM

Chia sẻ về quá trình xây dựng, hoàn thiện quy hoạch, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết TP.HCM là đô thị hết sức đặc biệt, là cửa ngõ quan trọng kết nối vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL với cả nước, khu vực và thế giới.

TP.HCM còn là trung tâm lớn về kinh tế- văn hóa- giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, là đầu tàu, động lực, là cực tăng trưởng có sức hút, sức lan tỏa rất lớn với vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Dù TP.HCM chỉ chiếm 0,6% diện tích của cả nước nhưng có hơn 10 triệu dân, đóng góp gần 20% GDP cho cả nước, 25% thu ngân sách của cả nước; GRDP bình quân của TP chiếm khoảng 54% GRDP của vùng Đông Nam bộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trao quyết định công bố quy hoạch cho lãnh đạo TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không những đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế- xã hội của TP mà còn có vai trò quan trọng với sự phát triển của cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay quá trình lập, thẩm định, trình duyệt và phê duyệt kế hoạch, TP.HCM đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành Trung ương, hội đồng thẩm định, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng chính phủ, chuyên gia nhà khoa học để hoàn thiện quy hoạch với chất lượng cao nhất, thể hiện qua sáu điểm nổi bật.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu sáu điểm nhấn trong quy hoạch TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đó là cụ thể hóa các quan điểm về định hướng phát triển của TP tại Nghị quyết 24 về phát triển vùng Đông Nam bộ, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 81 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.

Quy hoạch được xây dựng dựa trên cơ sở đánh giá toàn diện, tổng thể một cách khách quan hiện trạng phát triển của TP, xác định được các điểm nghẽn, nút thắt trong phát triển kinh tế- xã hội của TP thời gian qua. Đồng thời, làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, từ đó xây dựng tầm nhìn, mục tiêu và đưa ra phương án phát triển, giải pháp để thực hiện.

“Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch, đề ra cơ chế, chính sách, giải pháp, bố trí nguồn lực cũng như đưa ra các quyết sách quan trọng của TP” - ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Quy hoạch cũng có sự kế thừa, kết nối, phát triển các định hướng mang tính dài hạn, khả thi cao để phát triển các ngành, lĩnh vực; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tập trung phát triển kinh tế đô thị, kinh tế biển, phát triển mạnh mẽ văn hóa- xã hội, giáo dục- đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng con người TP minh hiện đại nghĩa tình, bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Quy hoạch TP.HCM cũng tập trung đột phá, phát triển công nghệ cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, các mô hình kinh tế mới, đột phát trong huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, tái cấu trúc không gian phát triển đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường liên kết vùng, phát triển nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội...

Quy hoạch không gian dọc sông Sài Gòn để phát triển du lịch xanh, kết hợp với đảm bảo an ninh nguồn nước, sắp xếp tổ chức lại không gian của TP, tạo dư địa để phát triển và các động lực tăng trưởng mới. Đồng thời, hình thành và phát triển khu đô thị vệ tinh, cửa ngõ gắn với cải cách hành lang, quy chế, các trục không gian chủ đạo, đẩy nhanh triển khai mô hình TOD gắn với chỉnh trang đô thị.

Quy hoạch, xây dựng, quản lý khai thác theo định hướng đô thị toàn cầu, đa trung tâm, xanh, thông minh, sáng tạo, giàu bản sắc, bám sông, hướng biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, hài hòa giữa đô thị và nông thôn.

Quy hoạch TP.HCM được lập với tinh thần đổi mới tư duy, cách tiếp cận dựa trên các tiềm năng, lợi thế của TP, tổ chức không gian, kinh tế- xã hội cũng được làm rõ qua các cấu trúc chia thành 3 tiểu vùng, 9 trục không gian chủ đạo, 1 trục không gian ven biển, 2 vành đai.

Năm nhiệm vụ của TP.HCM

Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết Quy hoạch TP.HCM có ý nghĩa quan trọng nhưng mới chỉ là kết quả bước đầu. Để quy hoạch sớm đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực thì còn nhiều việc phải làm, cũng không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa.

Đại biểu tham dự buổi lễ công bố quy hoạch TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu TP.HCM cần tập trung vào năm nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, các cấp ủy đảng, chính quyền TP cần đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung cốt lõi cơ bản của quy hoạch TP, sâu rộng tới nhiều tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, nhằm tạo sự đồng thuận cao về nhận thức, sự quyết tâm để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà quy hoạch đã phê duyệt.

Tổ chức xây dựng và ban hành, triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện quy hoạch TP.HCM. Khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có tính chất chuyên ngành như quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển của TP.

Tập trung đầu tư nguồn lực để bảo đảm phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối thông suốt nội thành, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế, sử dụng hiệu quả không gian ngầm, phát triển tuyến đường sắt đô thị hiện đại, kết nối với trung tâm, các đô thị vệ tinh, chú trọng tuyến đường giao thông kết nối với sân bay Long Thành, Biên Hòa, tỉnh Bình Dương…

TP.HCM cũng cần đẩy nhanh hoàn thành đề án Trung tâm tài chính quốc tế và đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, phát triển hạ tầng số, giải quyết vấn đề về ngập úng, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, bảo đảm an ninh nguồn nước.

Chú trọng khai thác xu hướng phát triển kinh tế xanh, thông minh, hiện đại để thu hút nhà đầu tư chiến lược, nguồn lực chất lượng cao, chú trọng thu hút các dự án đầu tư đảm bảo ba yếu tố, gồm công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT tin tưởng các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư vào TP.HCM, hỗ trợ nguồn lực cho TP phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu mà quy hoạch đã đề ra.

“Sự quan tâm và hỗ trợ của Chính phủ, sự đồng thuận của các bộ ngành và sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược sẽ góp phần đưa TP.HCM trở thành TP phát triển toàn diện, đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới