6 mốc đáng nhớ về kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ

(PLO)- Năm 2024 là năm cuối cùng diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 và kỳ thi theo chương trình mới sẽ bắt đầu từ năm 2025.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trải qua 18 năm, từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 đến nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ trải qua nhiều đợt đổi mới với 6 cột mốc đáng nhớ. Cụ thể:

Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông

1. Tháng 5-2006, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông với 23 môn học và hoạt động giáo dục cho cả ba cấp là tiểu học, THCS và THPT.

Trong đó, bậc tiểu học có 11 môn học bắt buộc, THCS và THPT có 13 môn học bắt buộc.

Riêng đối với bậc THPT, chương trình bắt đầu áp dụng từ năm học 2006-2007 và đến năm học 2008-2009 được áp dụng hết cả 3 khối lớp (10, 11, 12) ở THPT.

Thi tốt nghiệp THPT 6 môn

2. Năm 2009 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 nhưng vẫn theo hình thức của những năm trước đó.

Kỳ thi gồm 6 môn, với ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và ba môn do Bộ GD&ĐT lựa chọn, công bố theo từng năm. Trong đó, các môn ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, còn lại là tự luận. Mục đích của kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT và do các Sở GD&ĐT chủ trì.

Còn xét tuyển vào ĐH-CĐ có kỳ thi tuyển sinh được tổ chức riêng, diễn ra sau khi hoàn tất thi và xét tốt nghiệp THPT.

Thi tốt nghiệp THPT 4 môn

3. Năm 2014, kỳ thi tốt nghiệp THPT được thay đổi giảm xuống còn 4 môn, gồm hai môn bắt buộc là toán, ngữ văn và hai môn do thí sinh tự chọn. Trong đó, toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý thi theo tự luận, các môn còn lại là trắc nghiệm; riêng ngoại ngữ gồm cả trắc nghiệm và phần viết.

Đây cũng là năm đầu tiên và duy nhất trong một giai đoạn dài mà ngoại ngữ trở thành môn tự chọn.

Thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại TP.HCM, là năm cuối cùng thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Ảnh: P.A

Kỳ thi THPT Quốc gia

4. Năm 2015, đây được xem là dấu mốc thay đổi lớn nhất khi thay vì hai kỳ thi riêng biệt (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ), cả nước chỉ còn duy nhất một kỳ thi là Kỳ thi THPT Quốc gia với mục đích “3 chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả).

Kỳ thi được tổ chức thành nhiều cụm thi do các cơ sở giáo dục ĐH và Sở GD&ĐT chủ trì, coi thi, chấm thi. Đề thi có sự phân hóa với mục đích để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ.

Từ đây, thí sinh được thi ngay tại địa phương hay tỉnh/thành lân cận, không còn đổ dồn về các thành phố lớn để thi.

Mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn, gồm: 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: vật lí, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lí.

Trong đó, toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại là trắc nghiệm.

5. Từ năm 2017 đến 2019, vẫn là kỳ thi THPT Quốc gia nhưng do Sở GD&ĐT chủ trì và các trường đại học phối hợp tổ chức, coi thi, chấm thi. Kết quả được dùng để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ.

Và đặc biệt, từ kỳ thi này không còn gọi là môn thi mà là bài thi và là năm đầu tiên thực hiện hai bài thi tổ hợp. Mỗi thí sinh dự thi ít nhất bốn bài thi, gồm ba bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một trong hai bài tổ hợp là khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) và khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học). Trong đó, duy nhất Ngữ văn là thi tự luận.

thi-tot-nghiep-thpt-2024 (5).JPG
Thí sinh trao đổi bài sau buổi thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại TP.HCM. Ảnh: P.A

Kỳ thi tốt nghiệp THPT

6. Từ năm 2020 đến năm 2024, xuất phát vì diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và thực hiện Luật giáo dục có hiệu lực từ tháng 7-2020, kỳ thi chuyển thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh, đánh giá chất lượng dạy và học ở phổ thông. Còn các trường ĐH thực hiện tự chủ, đa dạng hóa phương thức tuyển sinh.

Để xét tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh dự phải thi bốn bài thi, gồm ba bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và chọn một trong hai bài tổ hợp là khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) và khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học). Trong đó, duy nhất Ngữ văn là thi tự luận.

Từ năm 2025, thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn và không còn bài thi tổ hợp và ngoại ngữ lần thứ hai được trở thành môn thi tự chọn..

Trong đó gồm hai môn thi bắt buộc là ngữ văn, toán và hai môn do thí sinh tự chọn trong số các môn ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Kỳ thi tổ chức chung trên toàn quốc theo hình thức chung đề, chung đợt thi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm