Nhiều điểm son của Kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV - Bài 2: Quyết sách sát thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ

Nhiều điểm son của Kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV - Bài 2: Quyết sách sát thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ

(PLO)- Kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV có những quyết sách theo sát thực tiễn cuộc sống, đáp ứng niềm mong mỏi của hàng chục triệu cử tri cả nước, đúng với phương châm "Quốc hội vì dân".

Một trong những thành công của Kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV vừa kết thúc là đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, cùng với đó là cho ý kiến với 11 dự luật khác… Đây được coi là một kỳ họp khối lượng công tác lập pháp rất lớn, một số lần hiệu chỉnh, thay đổi nội dung chương trình nhằm phù hợp với thực tiễn. Điều này cho thấy Quốc hội đã rất linh hoạt trong khâu điều hành, tổ chức để hướng tới chất lượng của các các quyết sách.

“Mặc dù có những điều chỉnh về chương trình, nội dung, trong đó có những vấn đề gấp, khó, phức tạp nhưng vẫn bảo đảm thông suốt, thận trọng, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và đồng thuận, thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội” – Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã phát biểu như vậy trong phiên bế mạc ngày 29-6.

Quốc hội vì dân: Những điểm sáng, nốt son của Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV
Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Điều chỉnh có hiệu lực sớm 3 luật

Lần đầu tiên ngay trong kỳ họp, Chính phủ có báo cáo, đề xuất về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, để các luật này được thực thi sớm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó đã đồng ý trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.

Ba luật về bất động sản (gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản) đã được thông qua tại Kỳ họp 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Việc điều chỉnh này được đa số các đại biểu đồng tình bởi người dân, doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư đang rất mong ngóng. Và đến sáng 29-6, với tỉ lệ đa số, Quốc hội đã thông qua dự án Luật.

Các đại biểu cho rằng các luật này sớm có hiệu lực sẽ đem lại nhiều lợi ích mong đợi; giúp khắc phục được những hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây, tạo ra được động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cạnh đó, các luật này khi được triển khai sớm sẽ giúp khơi thông nhiều vấn đề đang vướng mắc. Chẳng hạn, trong bối cảnh nhu cầu nhà ở rất lớn mà cung không đủ cầu hiện nay thì bốn luật này đã giúp cởi những nút thắt, giúp phục hồi thị trường bất động sản…

quoc-hoi-vi-dan-nhung-diem-sang-not-son-cua-ky-hop-7-quoc-hoi-khoa-xv-2.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: PHẠM THẮNG

Một điểm nhấn khác, Chính phủ cũng đã đề xuất và được Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình kỳ họp 7 là các nội dung liên quan đến cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024.

Nghị quyết chung của Kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV sau đó cũng đã quyết nghị thực hiện đầy đủ hai nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết 27 của Trung ương. Gồm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ 1-7-2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ 1-12025).

Đồng thời, thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương.

Chính phủ được giao triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện, gồm hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng; quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.

Quốc hội cũng đã quyết nghị kéo dài thời gian áp dụng thuế VAT 8% (giảm 2% so với hiện hành) thêm sáu tháng, tới hết năm 2024. Việc giảm này không áp dụng với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, than cốc, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

quoc-hoi-vi-dan-nhung-diem-sang-not-son-cua-ky-hop-7-quoc-hoi-khoa-xv-3.jpg
Các đại biểu tại phiên bế mạc kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV, sáng 29-6. Ảnh: PHẠM THẮNG

Quốc hội đồng hành cùng cuộc sống, đồng hành cùng Chính phủ

Bày tỏ vui mừng khi Kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV thành công, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho biết đây là kỳ họp có rất nhiều cảm xúc với ông. Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, chưa kể các phiên thảo luận sôi nổi, có trách nhiệm trong việc cho ý kiến lần đầu với 11 dự luật khác.

“Quốc hội đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình với cử tri, đất nước, nhất là trong công tác lập pháp” – đại biểu Ngân nói.

Cạnh đó, kỳ họp cũng đã quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia, trong đó có công tác nhân sự. Tất cả đều được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và đi đến thống nhất với tỉ lệ rất cao. “Tôi cho rằng đây là thành công của kỳ họp lần này” – ông nhấn mạnh.

Ông cho rằng đã có nhiều bài học kinh nghiệm và các đại biểu cũng đã nhìn thấy được tồn tại đó. Chẳng hạn, khi luật ban hành xong thì phải chờ một thời gian mới đi vào cuộc sống… Do đó, quá trình xây dựng luật gần đây, bên cạnh dự thảo luật thì còn có thêm dự thảo các nghị định, thậm chí các quyết định, thông tư đi kèm.

“Điều này sẽ tạo thuận lợi cho luật sớm đi vào cuộc sống” - đại biểu đoàn TP.HCM bày tỏ tin tưởng và khẳng định đây là điểm son trong hoạt động của Quốc hội.

quoc-hoi-vi-dan-nhung-diem-sang-not-son-cua-ky-hop-7-quoc-hoi-khoa-xv-tran-hoang-ngan.jpg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) chia sẻ với báo chí bên hành lang Kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV. Ảnh: MAI LOAN

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng nhìn nhận ngay từ những phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV đã có cách làm phù hợp, thể hiện rõ tinh thần “một Quốc hội đồng hành cùng với cuộc sống, đồng hành cùng Chính phủ”.

Cụ thể, đã có nhiều buổi họp được tăng cường, thậm chí là tăng cường các phiên họp của các đại biểu chuyên trách. Công tác lập pháp được quan tâm, đặt lên hàng đầu và đó cũng là nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội. “Được các cơ quan, văn phòng các bộ, bộ phận giúp việc của Quốc hội hỗ trợ mà đại biểu đã có điều kiện tiếp cận sớm với tài liệu, từ đó việc thảo luận trên nghị trường diễn ra rất sôi nổi, đi đến thống nhất và bấm nút thông qua với tỉ lệ rất cao” – ông Ngân chia sẻ.

Đại biểu Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cũng cho rằng đây là kỳ họp hết sức quan trọng khi thông qua nhiều luật, nghị quyết. Kể cả những dự án luật của kỳ họp tới cũng được Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học.

“Kỳ họp này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Quốc hội là xây dựng thể chế” – ông Cường nói và bày tỏ tin tưởng với các pháp luật được ban hành, sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này sẽ giúp bộ máy nhà nước vận hành một cách tốt nhất, đảm bảo tốt nhất đời sống của nhân dân…

Đánh giá về Kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, đại biểu Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho hay Kỳ họp 7 có rất nhiều nội dung quan trọng, các đại biểu đã rất tập trung nghiên cứu hồ sơ và đưa ra các ý kiến có trách nhiệm.

Ông hy vọng các dự án luật được thông qua sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và được thực hiện có hiệu quả nhất. “Với tâm huyết, hiểu biết của đại biểu Quốc hội, sự chuẩn bị của các cơ quan bộ, ngành, Chính phủ, tôi mong những dự luật được thông qua sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống để thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển” - đại biểu Phan Xuân Dũng nói.

luat-thu-do-sua-doi-phai-gin-giu-net-dep-van-hoa-rieng-co-cua-ha-noi-voi-nhung-pho-nho-ngo-nho.jpg
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: NT

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐB Hà Nội, cũng khẳng định Kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV đã diễn ra hết sức thành công, tốt đẹp. Đặc biệt, theo nữ đại biểu, giữa hai kỳ họp có khoảng nghỉ để các cơ quan của Quốc hội cùng với các cơ quan soạn thảo luật tiếp thu ý kiến đại biểu và có những điều chỉnh hợp lý nhất.

“Tinh thần là làm sao để mỗi một luật, một nghị quyết hay những nội dung quan trọng của đất nước được đưa ra thảo luận và các đại biểu bấm nút thông qua với chất lượng tốt nhất” – bà nhấn mạnh.

Theo bà Phạm Thị Thanh Mai, những vấn đề mà đại biểu đặt ra trong các phiên thảo luận cũng như phiên chất vấn được đánh giá là “cùng đồng hành với Chính phủ”. Trong đó, rất nhiều nội dung đưa ra đã được các thành viên của Chính phủ giải trình, tiếp thu rất trách nhiệm.

quoc-hoi-vi-dan-nhung-diem-sang-not-son-cua-ky-hop-7-quoc-hoi-khoa-xv-4.jpg
Các đại biểu tại phiên họp ở hội trường Quốc hội. Ảnh: PHẠM THẮNG

Vướng ở đâu gỡ ngay ở đó

Tại Kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua một số nghị quyết về cơ chế, đặc thù cho các địa phương, đơn cử như Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, hay Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng… Qua đó, giúp gỡ vướng nhiều khó khăn cho các địa phương để vươn lên phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.

Nhìn nhận thế giới đang ngày một biến động rất nhanh, bất định, rủi ro và phức tạp hay biến đổi khí hậu khắc nghiệt, thiên tai thất thường…, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng tất cả những điều này đòi hỏi thể chế pháp luật phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phát huy tính năng động, sáng tạo của các địa phương.

Theo ông, trong 11 luật được Quốc hội bấm nút thông qua tại kỳ họp lần này, hầu hết đều thể hiện được việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. “Đó là điểm sáng” – ông nói và khẳng định 11 luật này đều quan trọng.

Cũng bày tỏ quan tâm đến vấn đề phân cấp, phân quyền, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn TP Hải Phòng), cho rằng hiện nay những TP lớn như Hà Nội, TP.HCM đều có các cơ chế, chính sách đặc thù. Tuy nhiên, khi đã là “đặc thù” thì không nên đặc thù hóa trên cả nước, mà phải trọng tâm, trọng điểm, mang tính thí điểm.

quoc-hoi-vi-dan-nhung-diem-sang-not-son-cua-ky-hop-7-quoc-hoi-khoa-xv-nguyen-chu-hoi.jpg
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn TP Hải Phòng). Ảnh: ĐẢNG CỘNG SẢN

Nếu thí điểm không kịp thời, không đúc rút những điểm tốt để nhân rộng và không khắc phục ngay những cái yếu kém thì sẽ không có bài học về đặc thù để ưu tiên áp dụng.

“Những đại phương đã được Quốc hội cho phép cơ chế đặc thù cần triển khai thật tốt, vướng ở đâu phản ánh ngay ở đó. Không thể cơ chế chính sách do mình xin nhưng đến lúc có được rồi thì lại kêu khó” – đại biểu Nguyễn Chu Hồi nói và dẫn lời Thủ tướng từng nói “bây giờ phải làm, kêu ít thôi, vướng đâu cùng tháo gỡ, phản ánh kịp thời, cùng nhau phối hợp để xử lý hiệu quả nhất”.

Mặt khác, ông Hồi cũng cho rằng sự chỉ đạo quyết liệt rất quan trọng. Những nghị quyết đã được ban hành thì phải hiện thực hóa chứ không phải chỉ là cụ thể hóa.

Theo ông, cụ thể hóa làm cho nó kỹ hơn, chi tiết hơn thì dễ nhưng làm sao hiện thực hóa được thì mới mang lại những tác động mạnh tới xã hội, và khi đó cử tri và nhân dân cả nước mới cảm nhận được giá trị của chính sách. Cùng đó là phải có sự phối hợp liên ngành.

tran-thanh-man.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV sáng 29-6. Ảnh: PHẠM THẮNG

“Để chính sách phát huy hiệu quả, bên cạnh phối hợp theo cấu trúc ngang còn phải chỉ đạo theo cấu trúc dọc bằng cách phân cấp mạnh để phát huy tính năng động, sáng tạo của các địa phương” – đại biểu Chu Hồi nói và cho rằng chúng ta phân cấp mạnh nhưng mà thiếu độ mở của cơ chế, chính sách phù hợp thì sự phân cấp đó cũng sẽ chỉ là sự “chuyển giao nhiệm vụ cho cấp dưới” và cấp dưới cũng sẽ khó thực hiện.

Có thể nói, dù đâu đó còn những điều chưa thực sự đạt được mong muốn, kỳ vọng đặt ra nhưng tựu chung lại như nhiều đại biểu khẳng định “Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra”.

Việc cần làm bây giờ là Chính phủ cùng với các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương làm sao để các quyết sách đã được ban hành đi vào thực tiễn, theo kịp “hơi thở cuộc sống” cũng như phát huy được hiệu quả cao nhất, đáp ứng niềm mong mỏi của hàng chục triệu cử tri cả nước.

Khẩn trương triển khai các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua

Để bảo đảm yêu cầu “pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các các luật, nghị quyết vừa được thông qua.

Cạnh đó, thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần các gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn và toàn thể Nhân dân.

Tôi cũng đề nghị các cơ quan hữu quan, các đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, chủ động, khẩn trương chuẩn bị các nội dung sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Chủ tịch Quốc hội TRẦN THANH MẪN

Đọc thêm