Theo số liệu thống kê của Cục CSGT (C08, Bộ Công an), chỉ trong sáu tháng đầu năm 2019 đã xảy ra 11 vụ chống người thi hành công vụ làm một chiến sĩ hy sinh, 3 người bị thương.
Lực lượng CSGT đã phối hợp với các lực lượng khác bắt giữ 17 đối tượng bàn giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
C08 nhận định qua các vụ việc cho thấy các đối tượng thể hiện sự liều lĩnh, manh động, coi thường pháp luật... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự và uy tín của ngành công an cũng như lực lượng CSGT.
Một trường hợp tấn công CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn tại Hà Nội vừa qua
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Cục phó C08 nhận định tình trạng chống đối người thi hành công vụ có nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía CSGT và người vi phạm. Nếu CSGT thực hiện đúng quy trình xử phạt, giải thích đúng và có hướng dẫn cụ thể cho người vi phạm, chắc chắn lúc ấy người dân sẽ chấp hành một cách tuyệt đối.
Trong khi đó, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó C08, cho rằng hiện nay công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đôi lúc còn chưa tương xứng với thực tế vi phạm. Các biện pháp cưỡng chế phòng ngừa chưa hiệu quả, chưa có tính răn đe và có lúc, có nơi còn xảy ra tiêu cực. Việc xử lý vi phạm qua hệ thống giám sát hiệu quả còn thấp.
Tình trạng trên xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là một số địa phương cấp uỷ, thủ trưởng công an chưa thực hiện sự quan tâm chỉ đạo đúng mức đến công tác của lực lượng CSGT, nhất là công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng của cán bộ chiến sĩ.
Ngoài ra còn có một phần do vướng mắc về pháp lý (nghị định 46 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) còn nhiều điểm khó thực thi như việc chứng minh hành vi vi phạm, trong khi những hành vi vi phạm giao thông chủ yếu là đơn giản, rõ ràng, tức thời...
Thông tin thêm về chống người thi hành công vụ, Bộ Công an cho hay những năm qua, tình trạng này đang diễn ra phức tạp.
Năm 2018, xảy ra 378 vụ, 575 đối tượng, trong đó 115 vụ, 164 đối tượng chống lại lực lượng công an. Đối tượng chống người thi hành công vụ đa dạng về thành phần và thường chủ động dùng vũ lực, hung khí, vũ khí tấn công hoặc kích động, lôi kéo nhiều người tham gia, gây cản trở quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Cục Phó C08, cho rằng nguyên nhân chống đối xuất phát từ cả CSGT và người dân
Bộ Công an cho biết đang chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số biện pháp trọng tâm để phòng ngừa, hạn chế và xử lý nghiêm loại tội phạm trên.
Trong đó, Bộ Công an sẽ chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tham mưu, phối hợp các cấp, các ngành xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch, phương án xử lý tình huống chống người thi hành công vụ, không để bị động, bất ngờ trong giải quyết các vụ việc.
Đặc biệt, ngành công an nghiên cứu, rà soát những bất cập về pháp luật liên quan hoạt động thi hành công vụ và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ để đề xuất Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng chế tài xử lý nghiêm khắc hành vi chống người thi hành công vụ.
Trong đó, quy định rõ hơn về thẩm quyền, trường hợp, thủ tục sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong thi hành nhiệm vụ của các lực lượng chức năng để có cơ sở pháp lý bảo vệ người thi hành công vụ và phòng ngừa, xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ.
Ngoài ra, lực lượng công an sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm chống người thi hành công vụ, tăng cường xét xử một số vụ án điểm đối tượng chống người thi hành công vụ coi thường pháp luật để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.