61,11% ý kiến đại biểu chưa đồng ý đưa doanh nghiệp tư nhân vào diện thực hiện dân chủ cơ sở

(PLO)- Các Đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến bằng phiếu về việc có nên đưa doanh nghiệp vào diện điều chỉnh của dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, với kết quả đa số nói không với doanh nghiệp tư nhân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vấn đề có đưa doanh nghiệp vào Luật Thực hiện dân chủ cơ sở gây tranh cãi tại nghị trường đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra lấy ý kiến bằng phiếu.

Thông báo kết quả tổng hợp ý kiến của Tổng Thư ký Quốc hội sáng nay cho biết có 432/498 ĐBQH phản hồi.

Theo đó, 264/498 ý kiến, tức 61,11% tổng số phiếu gửi về, tương đương 53,01% tổng số ĐBQH chọn phương án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chỉ quy định thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước. Còn ở các loại hình doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động khác thì tiếp tục thực hiện theo pháp luật về lao động và các quy định hiện hành có liên quan.

Các ý kiến thiểu số cũng phản ánh quan điểm đáng chú ý. Theo đó, 5 ĐBQH cho rằng luật này không nên điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước để bảo đảm sự bình đẳng.

Cụm ý kiến này lập luận rằng đối với doanh nghiệp thì cần hoàn thiện pháp luật về lao động. Đối với doanh nghiệp nhà nước, nếu cần thiết thì điều chỉnh một số nội dung thông qua lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp là quan hệ dân sự, quan hệ lao động, được ràng buộc bởi hợp đồng lao động và được điều chỉnh bởi pháp luật về lao động, về dân sự và pháp luật khác có liên quan. Vì vậy, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp là sự tuân thủ pháp luật về lao động, pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chỉ cần nêu nguyên tắc chung về thực hiện dân chủ trong các loại hình doanh nghiệp.

Về khả năng Luật Thực hiện dân chủ cơ sở điều chỉnh quan hệ trong nội bộ đơn vị kinh tế tư nhân, có ĐBQH cho rằng khó có thể chế tài trong trường hợp doanh nghiệp cố tình không thực hiện. Như thế sẽ làm giảm tính nghiêm minh của Luật sau khi được Quốc hội ban hành.

Trước khi quyết định lấy phiếu xin ý kiến riêng về nội dung này, trong phiên thảo luận, một số ĐBQH đã phát biểu, thậm chí gửi văn bản tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không đưa doanh nghiệp vào diện điều chỉnh của Luật Thực hiện dân chủ cơ sở.

8 hiệp hội doanh nghiệp gồm Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam, Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, Hội Thực phẩm minh bạch, Hội Dệt may Việt Nam, Hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy đã có văn bản kiến nghị gửi Chủ tịch Quốc hội.

Các hiệp hội này đều cho rằng dự luật này nếu áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân sẽ gây ra nhiều khó khăn và chưa phù hợp với thực tế. Phương án như trong dự thảo có thể dẫn tới trao cho người lao động, ban thanh tra nhân dân quá nhiều quyền năng, vượt quá quyền lợi hợp pháp chính đáng. Từ đó sinh ra yêu sách, kết bè phái trong người lao động, gây nhiễu cho chủ doanh nghiệp..., gây bất ổn cho doanh nghiệp và xã hội.

Về phía Chính phủ, trước các ý kiến này, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ - cơ quan chủ trì dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở - phối hợp cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan có liên quan của Quốc hội để nghiên cứu tiếp thu, giải trình về vấn đề thực hiện dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm