Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội cho biết ông vừa kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa doanh nghiệp ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Dân chủ cơ sở.
Đây cũng là ý kiến của một số đại biểu khác như Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Trương Trọng Nghĩa (TP HCM)… trong quá trình thảo luận, góp ý dự thảo Luật Dân chủ cơ sở vốn được nâng lên từ pháp lệnh cùng tên ban hành từ năm 2007.
Mới đây 8 hiệp hội doanh nghiệp đã có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bỏ doanh nghiệp tư nhân là đối tượng của luật này.
Theo ông Lộc, các văn bản chính trị, pháp lý cao nhất hiện nay đều dùng dân chủ theo nghĩa quan hệ giữa Nhà nước - bao gồm các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị, với Nhân dân. Quyền làm chủ của người dân phải được thực hiện thông qua và gắn với Nhà nước cũng như hệ thống chính trị.
Trong khi đó, cũng theo quan điểm của nguyên Chủ tịch VCCI, doanh nghiệp nói riêng và các tổ chức kinh tế nói chung thành lập theo pháp luật doanh nghiệp, nằm ngoài bộ máy Nhà nước và cũng không thuộc hệ thống các tổ chức chính trị. Họ không có bất kỳ quyền lực hay chức năng nào của Nhà nước trong các quan hệ với người lao động của mình.
Doanh nghiệp tương tự như các chủ thể ngoài Nhà nước khác là một bên trong thực hiện quyền dân chủ trong mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức thuộc hệ thống chính trị.
“Trước Nhà nước và pháp luật, doanh nghiệp và người lao động trong doanh nghiệp là bình đẳng về vị thế và quyền dân chủ, không bên nào có quyền “làm chủ” hay giám sát bên nào” - Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc cho hay.
Ông Lộc cho rằng quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, còn quyền kinh doanh thuộc về doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh khác. Luật, pháp luật về lao động đã quy định đầy đủ các vấn đề về quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.
Còn thực tiễn, khi lãnh đạo doanh nghiệp không phải là chủ sở hữu doanh nghiệp thì việc người lao động can thiệp vào quyết định của chủ doanh nghiệp còn là “bất khả thi”.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc vừa gửi kiến nghị Quốc hội không đưa doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước, vào phạm vi điều chỉnh của Luật Dân chủ cơ sở. Ảnh: QH |
Người lao động, theo pháp luật về lao động, đã có tổ chức đại diện như công đoàn có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình và là chủ thể có trách nhiệm tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ và ổn định trong doanh nghiệp. Các tiêu chuẩn và quy định về quan hệ lao động ở nước ta hiện nay cơ bản đã đạt chuẩn mực quốc tế theo các công ước quốc tế và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta đã ký kết.
“Việc đưa thêm thiết chế dân chủ cơ sở vào doanh nghiệp như dự thảo luật có thể dẫn tới chồng chéo lên nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người lao động và các đoàn thể chính trị - xã hội khác trong doanh nghiệp. Đồng thời, có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp” - Đại biểu Lộc nhận định.
Ông Lộc cho biết VCCI cùng nhiều hiệp hội doanh nghiệp trong, ngoài nước đã liên tục kiến nghị Quốc hội về vấn đề này, bao gồm cả việc không bắt buộc thành lập ban thanh tra nhân dân tại các doanh nghiệp vì thiếu căn cứ pháp lý cũng như rủi ro trong thực tiễn. Mặt khác, quy định như vậy có thể tác động không tốt đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam...
Từ các cơ sở chính trị - pháp lý và thực tiễn nói trên, ông Lộc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội “không đưa chủ thể kinh doanh, các tổ chức sử dụng lao động ngoài công lập, nhất là các doanh nghiệp ngoài nhà nước, vào phạm vi điều chỉnh của dự Luật Dân chủ ở cơ sở; và không yêu cầu thành lập ban thanh tra nhân dân tại các doanh nghiệp này”.
Ông Lộc cũng đề nghị Ban Soạn thảo dự luật nói trên tổ chức hội nghị tham vấn rộng rãi ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia trước khi hoàn chỉnh dự thảo trình Quốc hội vào cuối kỳ họp.