7 tỉnh, thành miền Tây thống nhất nhiều nội dung quan trọng

Ngày 19-10, UBND TP Cần Thơ chủ trì Hội nghị trực tuyến liên kết, phối hợp phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội của bảy tỉnh, thành phía nam sông Hậu gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Thông suốt đường bộ và thủy nội địa

Tại hội nghị, hầu hết các địa phương đều thống nhất với sáu nội dung liên kết do đơn vị chủ trì đưa ra gồm y tế, giao thông, nông nghiệp, thương mại – du lịch, thông tin truyền thông và lao động, việc làm.

Ngoài ra, đại diện UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất thêm một nội dung liên kết thứ bảy là về lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

UBND TP Cần Thơ là đơn vị chủ trì hội nghị liên kết của bảy tỉnh, thành nam sông Hậu ngày 19-10. Ảnh: NHẪN NAM

Sau khi kết thúc hội nghị, đại diện đơn vị chủ trì, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đã tổng hợp lại các nội dung mà bảy địa phương đã thống nhất. Trong đó, đáng chú gồm các lĩnh vực như y tế, giao thông, thương mại và việc làm.

Đối với lĩnh vực y tế, các tỉnh, thành cần có cơ chế phối hợp chia sẻ nền tảng bản đồ phòng, chống dịch và thống nhất phương án quản lý di chuyển giữa các địa phương, đặc biệt là các địa phương ở cấp độ 1 và cấp độ 2 về phòng chống dịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông.

Cần thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung về công tác phòng, chống dịch để phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của các tỉnh, thành; Xây dựng cơ chế chuyển tuyến, chuyển tầng điều trị nội vùng để kịp thời hỗ trợ các địa phương trong công tác tiếp nhận, điều trị hiệu quả.

Về giao thông, đây là lĩnh vực được rất nhiều địa phương quan tâm. Các địa phương thống nhất thực hiện theo hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT về tổ chức hoạt động vận tải với bốn lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không đảm bảo thích ứng an toàn, hiệu quả, kiểm soát dịch.

Trong đó, vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường bộ và đường thủy cơ bản thống nhất quan điểm thông suốt. Như vậy đối với địa bàn có dịch ở cấp 1, cấp 2 thì hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa với tần suất bình thường (kể cả nội tỉnh và liên tỉnh).

Đối với địa bàn có dịch ở cấp 3, 4, thống nhất giao cho Sở GTVT các tỉnh, thành tham mưu cho UBND cấp tỉnh quyết định đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch và không làm ách tắc giao thông theo hướng dẫn 10905 ngày 16-10-2021 của Bộ GTVT.

Về vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia bằng đường bộ, đường thủy thống nhất tần suất 100%; cảng biển, tàu biển vận chuyển hàng hóa hoạt động 100%.

Bảy tỉnh, thành nam sông Hậu thống nhất giao thông đường bộ, đường thủy thông suốt trong khu vực. Ảnh minh họa: CHÂU ANH

Vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường hàng không, hiện sân bay Cần Thơ được Bộ GTVT và các địa phương thống nhất hai đường bay Cần Thơ - Hà Nội và Cần Thơ – Đà Nẵng. Tuy nhiên, Cần Thơ cũng kiến nghị Bộ GTVT mở hết bảy đường bay đến các địa phương và mở thêm Cần Thơ – Phú Quốc, Côn Đảo để tạo điều kiện cho hành khách và doanh nghiệp đi lại thuận lợi.

Liên kết tiêu thụ hàng hóa, lao động

Về thương mại, các địa phương tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, thành, tăng cường hoạt động thương mại điện tử.

Hiện nay có ba địa phương thông báo đang vận hành và khai thác hiệu quả sàn thương mại điện tử như sàn madeincamau.com của tỉnh Cà Mau. Kiên Giang có tại địa chỉ https://kiengiangpromotion.vn; Cần Thơ có chonnongsancantho.vn.

Các sàn này hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, tiếp cận được với các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước (như Tiki, Shopee, Amazon, Alibaba...). Các địa phương chia sẻ, hỗ trợ quảng bá sản phẩm của người dân, doanh nghiệp địa phương trên các sàn này. Đây đều là các sàn miễn phí.

Các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết việc làm, trước mắt hỗ trợ để đào tạo bồi dưỡng giải quyết việc làm cho người dân. Theo thống kê của bảy tỉnh, thành thì đến nay đã có khoảng 270.000 người từ TP.HCM về các tỉnh sau khi nới lỏng giãn cách, trong đó Cần Thơ gần 20.000 người.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường thay mặt đơn vị chủ trì tóm tắt các nội dung mà các địa phương đã thống nhất. Ảnh: NHẪN NAM

Theo thống kê của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), các doanh nghiệp ở bảy tỉnh, thành có nhu cầu tuyển dụng 45.000 lao động từ nay đến cuối năm. Đến năm 2022, nhu cầu tăng ít nhất gấp đôi. Các doanh nghiệp ngành may công nghiệp và may mặc Cần Thơ cần ngay 10.000 lao động.

Liên kết được sẽ tháo gỡ rào cản

“Để việc hợp tác này đi vào thực chất, thống nhất thành lập tổ giúp việc gồm Văn phòng UBND các tỉnh, thành và các Sở có liên quan (7 lĩnh vực), để tham mưu cho Thường trực UBND các tỉnh, trong đó Sở KH&ĐT làm đầu mối. Thống nhất lập đường dây nóng để chia sẻ thông tin và giải quyết các tình huống cấp bách; Định kỳ hàng quý họp sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm.

Thành lập nhóm zalo của thường trực UBND các tỉnh, thành và tổ giúp việc để giải quyết các việc giữa bảy tỉnh, thành. Đồng thời luân phiên chủ trì phiên họp sơ kết trực tuyến một quý một lần, lần tới, đề xuất UBND tỉnh Sóc Trăng sẽ đăng cai chủ trì” – ông Trường cho hay.

Cũng theo ông Trường, “về lâu dài, trên cơ sở vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, bảy địa phương sẽ đánh giá kết quả phối hợp để điều chỉnh kịp thời. Đồng thời, nghiên cứu liên kết với các địa phương còn lại của vùng ĐBSCL, TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ; Tiếp tục kiến nghị Chính phủ, bộ ngành Trung ương các vấn đề phát sinh, vướng mắc trong việc thực hiện các hướng dẫn tạm thời của Chính phủ và các Bộ”.

“Thực hiện tốt Chương trình liên kết này chúng ta sẽ tháo gỡ được những rào cản, giải phóng các nguồn lực, ổn định đời sống nhân dân trong thời gian tới” – người đứng đầu UBND TP Cần Thơ khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm