88% doanh nghiệp xuất khẩu chưa biết về Thoả thuận Xanh EU

(PLO)- Việc nỗ lực chuyển dịch xanh và trung hòa phát thải, đặc biệt là trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh EU sẽ ảnh hưởng đáng kể tới xuất khẩu của Việt Nam.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một khảo sát nhanh do VCCI thực hiện cho thấy có tới 88-93% DN được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới Thỏa thuận Xanh hoặc các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, tỷ lệ các doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong DN biết rõ về Thỏa thuận Xanh EU chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các nhóm tham gia khảo sát khác (8-12%).

Đó là thông tin được ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI - đưa ra tại Hội thảo "Thỏa thuận Xanh EU và Tác động tới xuất khẩu Việt Nam: Những điều doanh nghiệp cần biết" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào ngày 16-11.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI), EU đang và sẽ đặt ra nhiều tiêu chuẩn xanh khắt khe khác đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam. Quan trọng hơn, nhiều thị trường xuất khẩu khác cũng đang có dự kiến thực hiện các chính sách tương tự EU.

Các chính sách xanh của EU ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, làm gia tăng các tiêu chuẩn “xanh, bền vững” đối với hàng hóa xuất khẩu; đồng thời gia tăng trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất cho các mục tiêu “xanh, bền vững”.

Cùng với đó là các đòi hỏi tăng thêm về thủ tục khai báo thông tin, về trách nhiệm giải trình khi nhập khẩu, hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về các khía cạnh “xanh, bền vững” của sản phẩm cho người tiêu dùng

Bà Nguyễn Thị Thu Trang.jpeg
TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) thông tin với DN. Ảnh: MT

Vì thế, theo các chuyên gia, điều cần làm là các DN phải chủ động tìm hiểu về Thỏa thuận Xanh để nhận biết, nắm bắt chính xác và thường xuyên cập nhật về các chính sách xanh cụ thể của EU có liên quan tới từng loại sản phẩm xuất khẩu.

Ngành cà phê Việt Nam, diện tích canh tác chủ yếu manh mún nhỏ lẻ, dự kiến sẽ chịu nhiều tác động nhiều nhất của quy định chống phá rừng của EU. Các DN ngành này cho biết đang sẵn sàng chuyển đổi xanh nhưng cần một căn cứ chung từ cơ quan quản lý nhà nước.

Toàn cảnh Hội thảo sáng 16-11.jpeg
Đại diện các DN chia sẻ những thách thức mới khi EU áp dụng Thoả thuận Xanh. Ảnh: MT

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho hay: "Các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các bộ ngành địa phương, phải xây dựng được cơ sở dữ liệu chung để chúng ta triển khai".

Những tiêu chuẩn xanh của EU bao trùm hầu hết sản phẩm được xem là thế mạnh của Việt Nam. Sau EU, nhiều thị trường khác cũng sẽ thay đổi theo.

Mặc dù quá trình chuyển đổi xanh của EU tạo ra lộ trình từng bước để có thể dần thích ứng, nhưng quỹ thời gian không còn nhiều khi có những quy định sẽ áp dụng ngay từ năm 2024 hoặc năm 2025. Vì thế, các DN không nên chờ đợi đến khi EU bắt đầu áp dụng, mới gấp rút ứng phó mà ngay từ bây giờ nên chủ động chuyển đổi sang sản xuất xanh.

Những đòi hỏi, tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng, của thị trường sẽ là dài hạn và không thể đảo ngược. Các DN Việt cần nắm rõ những biến động mới để xoay xở để thích ứng. Chính phủ cũng cần sớm ban hành xây dựng các tiêu chí, hướng dẫn rõ ràng để lượng hóa tiêu chuẩn xanh, cũng như có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp có động lực chuyển đổi sang sản xuất xanh.

Là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU, Việt Nam hiện có 4 nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực sang thị trường EU là nhôm, thép, xi măng và phân bón.

Ông Đỗ Tiến Trình - Tổng Giám đốc Công ty Xi măng VICEM Bút Sơn cho biết: "Phải tăng thêm chi phí tín chỉ carbon từ 10 - 50 Euro trên tấn sản phẩm nếu không khai báo trung thực phát thải CO2. Rất nhiều những khó khăn thách thức. Thứ nhất là rào cản về mặt công nghệ. Thứ hai là liên quan đến những cơ chế chính sách của nhà nước".

Sử dụng bùn thải làm nguyên liệu thay thế bớt cho đất sét; đốt lò bằng rác, để giảm bớt đốt than... thời gian qua, Công ty Xi măng VICEM Bút Sơn đã giảm được khoảng 20% lượng khí các bon thải ra môi trường. Nhưng để xuất khẩu sang EU được thuận lợi, DN cho biết, còn phải giảm thêm nhiều.

Tại hội thảo, các DN kiến nghị, cơ quan chức năng cần hỗ trợ hiệu quả quá trình thích ứng với các tiêu chuẩn xanh EU thông qua việc cung cấp thông tin kịp thời, chuẩn xác và chi tiết về các tiêu chuẩn xanh EU theo nhóm 5 sản phẩm cụ thể; tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện; phối hợp với phía EU trao đổi về cách thức thực thi phù hợp, về các hỗ trợ kỹ thuật cho DN Việt Nam…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm