9 năm MH370 mất tích: Thân nhân 'vẫn đi vòng tròn, đụng hết bức tường này đến bức tường khác'

(PLO)- Đã 9 năm trôi qua, sự mất tích của chiếc máy bay số hiệu MH370 vẫn còn là một bí ẩn, và thân nhân hành khách "dường như đang đi vòng tròn và đụng hết bức tường này đến bức tường khác”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vào 0 giờ 42 phút ngày 8-3-2014, chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines cất cánh từ thủ đô Kuala Lumpur.

Cơ trưởng của chuyến bay là ông Zaharie Ahmad Shah (53 tuổi) - một trong những phi công cao cấp và có uy tín nhất của Malaysia Airlines. Ngồi trong buồng lái cùng ông là cơ phó Fariq Hamid (27 tuổi). Anh Hamid chỉ còn một chuyến bay huấn luyện nữa là được cấp đầy đủ chứng chỉ, theo tờ The Guardian.

Chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích vào ngày 8-3-2014. Ảnh: SKY NEWS
Chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích vào ngày 8-3-2014. Ảnh: SKY NEWS

Họ dẫn đầu một phi hành đoàn gồm 10 tiếp viên - tất cả đều là người Malaysia, cùng 227 hành khách. Phần lớn hành khách là người Trung Quốc đại lục và lãnh thổ Đài Loan, 38 người Malaysia và một số công dân các nước Indonesia, Úc, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Iran, Ukraine, Canada, New Zealand, Hà Lan, Nga.

Tuy nhiên, đó là một trong những thông tin cuối cùng thế giới biết về họ - những người đã mất tích cùng chuyến bay MH370.

9 năm, 2 cuộc tìm kiếm kéo dài, 150 cuốn sách

40 phút đầu tiên của chuyến bay diễn ra suôn sẻ. Lúc 1 giờ 19 phút, MH370 tiếp cận điểm cuối không phận Malaysia. Đài kiểm soát không lưu Malaysia thông báo MH370 liên lạc với trạm kiểm soát không lưu Thành phố Hồ Chí Minh. Khi ấy, cơ trưởng Zaharie trả lời: “Chúc ngủ ngon. Malaysia 3-7-0”.

Tuy nhiên, MH370 đã không đăng ký với trạm kiểm soát không lưu Thành phố Hồ Chí Minh. Vài giây sau khi bay vào không phận Việt Nam, MH370 biến mất khỏi màn hình radar. Tất cả những nỗ lực tiếp theo nhằm liên lạc với tổ bay đều không thành công.

Sự mất tích của MH370 được xem là bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không thế giới.

Trong 9 năm qua, đã có 2 cuộc tìm kiếm kéo dài trên khắp Ấn Độ Dương để tìm MH370. Tuy nhiên, cả hai đều không mang lại kết quả thuyết phục, theo đài BBC.

Theo trang Airline Rating - website chuyên xếp hạng các hãng hàng không về độ an toàn cũng như các trải nghiệm trong chuyến bay, trong 9 năm qua, người thân và bạn bè của những người trên chuyến bay MH370 đã đón nhận nhiều thông tin sai lệch về manh mối của máy bay.

Nhà chức trách Pháp kiểm tra một mảnh vỡ máy bay được tìm thấy tại đảo La Reunion thuộc Pháp ở Ấn Độ Dương. Ảnh: REUTERS

Nhà chức trách Pháp kiểm tra một mảnh vỡ máy bay được tìm thấy tại đảo La Reunion thuộc Pháp ở Ấn Độ Dương. Ảnh: REUTERS

Theo Airline Rating, gần 150 cuốn sách đã được viết về vụ mất tích MH370. Nhiều cuốn sách trong số này mang những cái tên khiến nhiều người càng thêm hoang mang về số phận của chuyến bay bí ẩn. Thậm chí, có tác giả còn tuyên bố “bí ẩn đã được giải quyết” hay “có người tận mắt nhìn thấy”.

Airline Rating cho rằng chỉ có khám phá của kỹ sư hàng không vũ trụ người Anh Richard Godfrey là mang đến nhiều hy vọng nhất cho việc tìm ra địa điểm chính xác của chiếc máy bay mất tích.

Năm 2021, sau 1 năm nghiên cứu từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, kỹ sư người Anh Richard Godfrey cho biết ông tin MH370 đã đâm xuống Ấn Độ Dương, cách thành phố Perth (Úc) 2.000 km về phía tây.

Ông Godfrey nói ông hy vọng "chúng tôi sẽ có thể thông báo với ngành hàng không câu trả lời chính xác về những gì đã xảy ra với MH370 và cách chúng ta ngăn chặn điều tương tự trong tương lai".

Theo ông Godfrey, vị trí chính xác chiếc máy bay rơi là ở 33 độ vĩ nam và 95 độ kinh đông trên Ấn Độ Dương.

Theo BBC, các cuộc tìm kiếm MH370 trước đây gặp nhiều khó khăn do quy mô của khu vực tìm kiếm.

Ông Godfrey cho hay: "Một khu vực rộng tới 120.000 km vuông đã được tìm kiếm. Đó không phải là mò kim đáy bể, mà là tìm kiếm thứ gì đó siêu nhỏ dưới đáy bể. Điều đó rất khó thực hiện".

Đề xuất mới của kỹ sư Godfrey là tìm kiếm trong bán kính 40 hải lý, nhỏ hơn nhiều so với các cuộc tìm kiếm trước đây.

"Mảnh vỡ có thể nằm sau một vách đá hoặc trong hẻm núi dưới đáy đại dương. Và bạn có thể cần ba hoặc bốn lượt tìm kiếm trước khi bắt đầu vớt chúng lên" - ông nói.

Một tàu Trung Quốc di chuyển qua khu vực tìm kiếm MH370. Ảnh: GETTY IMAGES

Một tàu Trung Quốc di chuyển qua khu vực tìm kiếm MH370. Ảnh: GETTY IMAGES

Hơn 30 mảnh vỡ, không "kết sổ" tìm kiếm

Các cuộc tìm kiếm đã tiêu tốn hàng trăm triệu USD. Với những người có nhu cầu tìm người thân của họ, khoản chi phí như vậy là quá lớn.

"Cơn ác mộng vẫn đang diễn ra. Không bao giờ có điểm kết thúc. Chúng tôi dường như đang đi vòng tròn và đụng hết bức tường này đến bức tường khác” - bà Grace Nathan, một luật sư hình sự sống tại Kuala Lumpur nói trong đau khổ. Mẹ của bà là một trong 227 hành khách trên chuyến bay MH370.

"Chúng tôi đã hy vọng từ rất lâu về một điều gì đó mới mẻ - một bước đột phá mới. Một điều gì đó mới mẻ có thể đảm bảo cho cuộc tìm kiếm bắt đầu lại. Chúng tôi mong có một địa điểm chính xác hơn để cuộc tìm kiếm được tiến hành và để tăng khả năng tìm thấy máy bay" - bà Nathan nói.

Ông Selamat Omar có con đi trên chuyến bay MH370 bị mất tích. Ông và gia đình đã nhiều lần cầu nguyện mong con ông được trở về an toàn.

Ông Omar cho biết năm tháng trôi qua nhưng không có gì thay đổi, gia đình ông vẫn thêm hy vọng mỗi khi có thông tin về MH370 xuất hiện trên truyền hình, báo chí hay chia sẻ trên mạng xã hội.

Thân nhân của những người đi trên chuyến bay MH370. Ảnh: AFP

Thân nhân của những người đi trên chuyến bay MH370. Ảnh: AFP

"Giống như lần đầu tiên chúng tôi được thông báo về tin máy bay mất tích vào năm 2014, chúng tôi vẫn chú ý theo dõi mọi thông tin cập nhật. Mỗi khi ai đó chia sẻ thông tin về MH370, chúng tôi cho rằng mình đang tiến gần hơn đến việc tìm ra câu trả lời. Nhưng sau một thời gian, có vẻ như chúng tôi phải bắt đầu lại từ đầu” - ông nói với tờ New Strait Times.

"Một số mảnh vỡ được cho là của MH370 đã được tìm thấy ở nhiều địa điểm khác nhau nhưng không có bằng chứng chắc chắn nào khác. Chúng tôi đã trải qua rất nhiều 'hy vọng hão huyền'” - ông Omar nói.

Ông Omar cũng cho biết một số nhóm WhatsApp được người thân của những hành khách MH370 tạo lập để trao đổi thông tin. Nhưng nhiều nhóm đã không còn hoạt động.

"Có 1 hoặc 2 nhóm thường hoạt động khi ngày kỷ niệm đến gần. Tuy nhiên, vì không có manh mối hoặc thông tin chắc chắn nên các thành viên ít trò chuyện với nhau, không giống như những ngày trước” - ông Omar cho biết.

“Tôi nhớ một thành viên trong nhóm nói với tôi rằng họ đã cầu nguyện rất nhiều và hy vọng trong 3 năm nhưng sau đó đã chọn tiếp tục cuộc sống” - ông kể lại.

Hơn 30 mảnh vỡ được cho là của MH370 đã dạt vào các bãi biển ở châu Phi và các đảo ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, vẫn chưa thể xác định chính xác các mảnh vỡ này đến từ đâu, theo BBC.

Hôm 5-3, gia đình của những người đi trên chuyến bay MH370 đã kêu gọi chính phủ Malaysia cho phép công ty thám hiểm đáy biển Ocean Infinity của Mỹ tiến hành một cuộc tìm kiếm mới, theo đài CNN.

Năm 2018, Malaysia đã mời Ocean Infinity tìm kiếm chiếc máy bay ở Nam Ấn Độ Dương. Chính phủ nước này đưa ra mức chi trả tới 70 triệu USD nếu tìm thấy chiếc máy bay. Tuy nhiên, hoạt động tìm kiếm không mang lại kết quả gì đáng chú ý.

Tuy nhiên, công ty này cho biết họ hiện có bằng chứng mới có thể dẫn đến việc phát hiện ra chiếc máy bay. Đại diện công ty cho biết họ đang đề nghị chính phủ Malaysia cho tiến hành tìm kiếm trên cơ sở “không tìm thấy, không tính phí”.

Trước đó, tháng 1-2017, Malaysia, Trung Quốc và Úc cho kết thúc cuộc tìm kiếm MH370 kéo dài 2 năm. Đợt tìm kiếm này đã tiêu tốn khoảng 135 triệu USD.

Bức tường để lại lời nhắn cho các hành khách trên chuyến bay MH370 ở trung tâm Kuala Lumpur. Ảnh: REUTERS

Bức tường để lại lời nhắn cho các hành khách trên chuyến bay MH370 ở trung tâm Kuala Lumpur. Ảnh: REUTERS

Trong một thông điệp gửi tới các gia đình nạn nhân, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Anthony Loke tuyên bố sẽ không “kết sổ” cuộc tìm kiếm MH370. Đồng thời, ông cho biết thêm rằng các cuộc tìm kiếm trong tương lai sẽ được xem xét thích đáng nếu có “thông tin mới và đáng tin cậy” về chiếc máy bay.

Các nhà điều tra Malaysia trước đó không đưa ra kết luận nào về những gì đã xảy ra trên chuyến bay, nhưng họ cũng không loại trừ khả năng máy bay đã cố tình đi chệch hướng.

"Chính phủ đã làm hết sức mình và bây giờ cần bằng chứng chắc chắn để tiếp tục hoạt động tìm kiếm. Tôi hy vọng việc phát hiện ra bằng chứng đáng tin cậy sẽ dẫn đến nơi chiếc máy bay mất tích và sự biến mất của nó sẽ không còn là một bí ẩn mãi mãi" - ông Omar nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm