Chuyên gia hàng không Ai Cập Hammad Ismail vừa đưa ra một giả thuyết mới về vụ chiếc máy bay số hiệu MH370 mất tích gần sáu năm trước, theo báo Daily Star ngày 12-1.
Chuyên gia Ismail cho rằng trên máy bay có không tặc và đó chính là cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah của chuyến bay. Chính cơ trưởng Shah đã kiểm soát toàn bộ những người khác trên chuyến bay trước khi chuyển hướng bay về một hòn đảo không người ở Philippines.
Và theo chuyên gia này, cơ trưởng chuyến bay đã ngăn mọi người trên máy bay cản trở ý định điên rồ của mình bằng trà.
"Cách giải thích khả thi nhất là tên không tặc đã vô hiệu hóa tất cả mọi người trên máy bay bằng trà" - chuyên gia này nói.
Ảnh minh họa. Ảnh: AIRLINERATINGS
Ông Ismail cho rằng tất cả những gì đã xảy ra là do "có một điểm chung nào đó đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người trên chuyến bay". Kẻ chủ mưu đã kiểm soát toàn bộ hành khách, phi hành đoàn và nhân viên an ninh trên máy bay bằng "một hành động chung và nhanh chóng".
Chuyên gia này phản bác giả thuyết tên không tặc đã đột ngột giảm áp suất trong máy bay bằng cách phóng thẳng máy bay lên đến độ cao hơn 10.000 m trong khi hắn được an toàn vì sử dụng mặt nạ dưỡng khí. Lý do theo chuyên gia này, hành động như vậy "sẽ không hiệu quả vì cơ phó đang ngồi cạnh và người này chắc chắn sẽ can thiệp", đồng thời áp suất ở độ cao đó sẽ khiến chiếc máy bay "bị phá hủy như một hộp thuốc bị dẫm nát dưới chân".
Thay vào đó, chuyên gia này suy nghĩ đến trà - "một điểm chung mang người dân Đông Nam Á lại gần nhau" và cho rằng người dân Malaysia là đại diện cho điểm chung này. Do đó, ông Ismail tin rằng cơ trưởng đã "vô hiệu hóa" mọi người trên chuyến bay bằng trà.
Về tung tích của chiếc máy bay, ông Ismail bảo vệ giả thuyết cơ trưởng Shah dự định sẽ hạ cánh tại một trong những hòn đảo không có người ở tại Philippines.
Bức ảnh gia đình cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah được công bố sau vụ mất tích máy bay MH370. Ảnh: THESUN
Theo đó, bức ảnh gia đình ngồi trên một chiếc ghế có hoa văn hình thoi - thể hiện cho các hòn đảo thuộc một quần đảo nào đó - là chỉ dấu mà cơ trưởng Shah để lại.
Có một số hòn đảo như vậy có đường băng ngắn được xây dựng từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, theo giả thuyết của ông Ismail, vì đường băng quá ngắn nên máy bay đã không thể hạ cánh thành công và rơi xuống biển.
Chiếc máy bay số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines chở 239 người khởi hành từ Kuala Lumpur vào ngày 8-3-2014, mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu và mất tích mà không để lại bất kỳ dấu vết gì.
Đúng 515 ngày sau vụ tai nạn, Thủ tướng Malaysia thời điểm đó là ông Najib Razak xác nhận mảnh vỡ tìm thấy ở quần đảo Reunion ở Ấn Độ Dương là của chiếc MH370, hãng Reuters đưa tin.
Các chuyên gia đã đưa ra nhiều giả thuyết về vụ tai nạn bí ẩn này. Nhưng không giả thuyết nào có thể được chứng minh, khi chỉ có một mảnh vỡ được xác định là của chiếc máy bay xấu số, trong khi không thể tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay.