9 vấn đề sức khỏe thường gặp dịp Tết

(PLO)- Nhịp sống hay những bữa ăn hàng ngày bị xáo trộn dịp Tết ít nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tết là thời gian mọi người đoàn tụ, gặp gỡ, tiệc tùng, chung vui với nhau. Tết cũng là dịp nghỉ dưỡng, du lịch cho nhiều người. Do vậy nhịp sống, những bữa ăn hàng ngày luôn bị xáo trộn, ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số vấn đề về sức khỏe thường gặp phải trong dịp Tết như:

1. Tết dễ bị rối loạn tiêu hóa

Nguyên nhân là do dịp Tết chúng ta có quá nhiều tiệc tùng, ăn uống quá nhiều, vượt quá ngưỡng hấp thu bình thường của cơ thể.

Các triệu chứng thường gặp là trướng bụng đầy hơi, khó tiêu, nặng hơn đau bụng, ói mửa, tiêu chảy,…

Tại nhà, ta có thể hỗ trợ việc tiêu hóa thức ăn như sử dụng men tiêu hóa đường uống, ăn một ít gừng tươi hoặc uống một ít trà gừng, ăn thêm sữa chua….

Nếu bệnh diễn tiến ngày một nặng, xuất hiện một trong các triệu chứng như đau bụng nhiều, ói mửa nhiều, tiêu chảy, sốt, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị.

2. Ngộ độc thực phẩm ngày Tết

Thói quen mua, lưu trữ nhiều thực phẩm Tết trong khi việc bảo quản thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong dịp này rất cao.

Thêm vào đó, thực phẩm chế biến không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bày bán, bảo quản trong điều kiện không đảm bảo an toàn vệ sinh là nguyên nhân hàng đầu gây nên ngộ độc thực phẩm.

Triệu chứng ngộ độc thực phẩm sẽ tùy thuộc vào tác nhân gây độc có trong thực phẩm, tuy nhiên thường là hội chứng đường tiêu hóa như buồn nôn, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, sốt.

3. Táo bón

Tiệc trong dịp Tết thường có nhiều món ăn cao đạm như thịt, tôm, cua, cá… nhưng lại thiếu các món rau như bữa ăn thường ngày. Cạnh đó, ta thường sử dụng nhiều nước ngọt chế biến sẵn, nước giải khát có ga thay vì nước lọc, vì vậy nguy cơ táo bón dịp Tết là rất cao.

Giải pháp hữu hiệu phòng táo bón những ngày Tết là nên ăn nhiều rau, củ, trái cây, uống nước lọc thay cho các loại nước ngọt.

4. Dị ứng thực phẩm ngày Tết

Dịp Tết, do ăn bên ngoài nhiều nên không thể tránh các loại thực phẩm lạ, thực phẩm bị tẩm ướp quá nhiều hóa chất, các thực phẩm từng bị dị ứng hay ăn phải nhiều chất phụ gia thực phẩm trong sản phẩm chế biến như phẩm màu, chất bảo quản, chất tạo ngọt, hương,…

Cách phòng tránh dị ứng duy nhất là không ăn các thực phẩm đã từng bị dị ứng. Không thử các sản phẩm nghi ngờ, thấy không an toàn. Không tự ý điều trị khi có dấu hiệu dị ứng thức ăn, nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh.

dịp Tết - 1
Nhịp sống hay những bữa ăn hàng ngày bị xáo trộn dịp Tết ít nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh: Internet

5. Tết dễ bị tăng huyết áp

Bệnh tăng huyết áp thường gặp ở những người trung niên, cao tuổi và người có tiền sử bệnh. Nguyên nhân là do uống nhiều rượu bia, ăn mặn, chế độ sinh hoạt ngủ, nghỉ, hoạt động như trước đây không được duy trì.

Một số giải pháp giúp hạn chế nguy cơ tăng huyết áp trong dịp Tết như hạn chế rượu bia, ăn ít chất đạm, ăn nhiều rau xanh, trái cây, duy trì chế độ sinh hoạt thích hợp.

6. Viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp thường xảy ra sau bữa ăn quá thịnh soạn, quá nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất béo, hay sau khi uống nhiều rượu, bia. Tết là một trong những dịp như vậy.

Triệu chứng viêm tụy cấp lúc khởi phát có thể bị nhầm với triệu chứng ngộ độc thực phẩm như đau bụng vùng thượng vị, quanh rốn, cơn đau kéo dài và tăng dần, nôn ói dữ dội, người mệt lả kèm theo sốt và nhịp tim nhanh...

Khi gặp phải triệu chứng trên, nên đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

7. Đột quỵ

Đây là hậu quả của bệnh tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá lipid.

Phòng tránh tình trạng đột quỵ bằng việc sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp thường xuyên, đều đặn, chế độ ăn uống lành mạnh, tránh xa rượu bia, thực phẩm nhiều chất béo, ăn nhiều rau xanh, trái cây.

8. Các cơn gout cấp

Nguyên nhân của bệnh gout là do trong dịp Tết, người bệnh đã uống nhiều rượu bia, ăn quá nhiều đạm, kèm theo chế độ sinh hoạt bị xáo trộn như thức khuya, ngủ ít, không hoạt động thể lực…

Những ngày Tết, người bệnh cần duy trì chế độ ăn và sinh hoạt lành mạnh, hạn chế rượu, bia và đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị bệnh.

9. Ngộ độc methanol

Dịp Tết là khoảng thời gian sử dụng bia rượu nhiều do tiệc tùng, tất niên, tân niên... Việc sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc, dùng methanol để pha chế rượu hay chế biến rượu từ cồn ethylic kém chất lượng sẽ gây ra ngộ độc methanol.

TS-BS Trần Quốc Cường, Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm