Tết Nguyên đán sắp đến, nhà tôi thường chuẩn bị sẵn rất nhiều món ăn. Xin bác sĩ cho biết những nguyên tắc chế biến, bảo quản để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại nhà dịp Tết. (Kiều Anh, 43 tuổi, ngụ TP.HCM).
Trả lời
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại nhà dịp Tết, chúng ta nên lựa chọn thực phẩm tươi, sống như thịt, tôm, cá, trứng, rau, củ, quả… tươi, ngon, mùi đặc trưng cho sản phẩm, không lẫn tạp chất, mùi lạ.
Thực phẩm chế biến phải có bao gói, ghi nhãn đầy đủ theo quy định. Tốt nhất là nên mua thực phẩm tại những cơ sở uy tín.
Hiện chợ và hệ thống siêu thị đã mở cửa từ mùng 2 Tết, do đó bạn không cần mua dự trữ quá nhiều thực phẩm tại nhà. Việc bảo quản thực phẩm luôn phải đảm bảo về nhiệt độ cho từng loại, không để chung thực phẩm sống và chín.
Những thực phẩm đã chế biến nếu để trong điều kiện bình thường không nên quá hai giờ. Đồ ăn còn dư sau ăn cần được cho vào hộp kín, để tủ mát khoảng 1-2 ngày và phải làm nóng lại trước khi ăn. Tuyệt đối không được ăn thức ăn có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.
Luôn giữ nhà bếp thoáng, sạch. Dụng cụ nấu ăn như dao, thớt, rổ, thau, chậu dùng cho thực phẩm sống - chín/ăn ngay riêng biệt, sạch sẽ.
Sử dụng nguồn nước sạch, gia vị, phụ gia an toàn dùng để chế biến thức ăn.
Đun kỹ, nấu chín thức ăn ở nhiệt độ thích hợp nhằm đảm bảo tiêu diệt hết mầm bệnh có trong thực phẩm tươi sống.
TS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Giảng viên bộ môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM