Ai ‘chống lưng’ cho vua?

Công ty Cổ phần Bóng đá Việt Nam (VPF) đã gửi công văn xin lỗi đội bóng SL Nghệ An và cổ động viên xứ Nghệ về những sai phạm trong công tác trọng tài đã “cướp” mất chiến thắng của đội bóng này trên sân Thanh Hóa. Công văn do Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng ký ngày 11-5. Đó là lời xin lỗi chân thành của người đứng đầu VPF, đã từng tuyên bố sẽ góp phần làm đẹp, làm tốt cho bóng đá Việt Nam.

Xin lỗi trong sự bất lực

Ông Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng mùa trước còn là người đứng đầu của CLB Becamex Bình Dương và được thuyết phục làm tổng giám đốc VPF. Trước khi ông Chóng nhận lời ngồi ghế tổng thì chính trong nội bộ VPF đã có một cuộc đấu ghế rất lớn liên quan đến việc VFF muốn lấn quyền và cài cắm người của VFF sang giữ các chức vị chủ chốt ở VPF. Và việc thuyết phục ông Chóng ngồi vào đấy được xem là giải pháp trung hòa, đồng thời cũng là phần “được” mà VPF đang dần bị lấn quyền.

Việc VPF xin lỗi đội bóng và cổ động viên SL Nghệ An do đích thân ông Chóng ký cũng không được VFF ủng hộ bởi từ khi VFF tổ chức giải thì cái sai của trọng tài vẫn được xem là một phần của bóng đá, nạn nhân phải “ráng chịu”.

Lời xin lỗi của VPF như sự bất lực, sự không hoàn thành nhiệm vụ quy trình vận hành giải. Nhưng liệu lời xin lỗi đấy có được khắc phục khi những dây mơ rễ má tồn tại trong công tác điều hành, có lúc vượt tầm kiểm soát của những người muốn làm tốt như ông Chóng?

Công văn xin lỗi của VPF liên quan đến việc SL Nghệ An bị “cướp” chiến thắng. Trọng tài chỉ là phần nổi của tảng băng. Ảnh: CTV

Những lời cảnh báo không ngăn được “còi méo”

Không rõ ông Cao Văn Chóng trong cương vị tổng giám đốc VPF chín vòng đấu qua đã nhận bao cuộc điện thoại của lãnh đạo các đội bóng ca thán về công tác trọng tài? Chắc chắn đó là những lời than phiền không chỉ đơn thuần là công tác chuyên môn mà là sự lo ngại về “một nhóm trọng tài thao túng cuộc chơi”, được “chống lưng” để làm lệch kết quả.

Cũng không rõ trong công tác điều hành, ông Chóng đã từng gặp nhiều khó khăn trong bộ máy tổ chức, ông đã làm gì để điều chỉnh bộ máy đấy vận hành tốt và công tâm? Hoặc sau hàng loạt trận có sự cố được “ỉm” đi, nghe nhiều cảnh báo về công tác trọng tài, ông đã hành động thế nào?

Trong khi đó, chuyện liên quan đến công tác trọng tài ở vòng 9 V-League được chính người trong cuộc tiết lộ gây lo lắng về tính trung thực của giải. Trước trận đấu trên sân Thanh Hóa, Giám đốc điều hành CLB SL Nghệ An Hồ Văn Chiêm đã trực tiếp trao đổi, cảnh báo với VPF, ban tổ chức và cả với ban trọng tài nhưng không được ghi nhận. Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng cũng được cảnh báo về việc tiền đạo Stevens sẽ nhận thẻ vàng và đến trận gặp FLC Thanh Hóa thì cầu thủ này bị “treo giò”. Cũng vòng 9, việc bốn cầu thủ Hà Nội T&T bị dính thẻ, trong đó có đến ba cầu thủ chủ chốt của đội phải nghỉ trận tới cũng hoàn toàn đúng với những cảnh báo trước đó.

Không thể là trùng hợp, là vô tình bởi những cảnh báo không được can thiệp đã trở thành sự thật. Điều đấy, cá nhân một trọng tài không thể làm được mà phải có sự “chung tay”. Vì sao những sự lên tiếng của các đội lại không được tiếp thu?

Ông Cao Văn Chóng chắc chắn đều nghe, đều biết và đều được báo cáo, vậy trong phần làm việc với những bộ phận có trách nhiệm như Trưởng ban Tổ chức giải Nguyễn Minh Ngọc hay Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi,  ông đã can thiệp được gì?

ý kiến cho rằng bản thân ông trưởng giải hay ông trưởng ban trọng tài cũng chỉ là một mắt xích, bởi trên nữa và ở phần “nóc”, phó chủ tịch VFF phụ trách bóng đá chuyên nghiệp lẫn ban trọng tài đều có những mối quan hệ dích dắc. Đây là điều lãnh đạo các đội bóng đều biết nhưng không ai dám đụng đến.

Rất nguy hiểm cho bóng đá Việt Nam khi các đội bóng vừa đá vừa nơm nớp lo. Ngay cả ông tổng giám đốc VPF cũng thấy bất an qua lời xin lỗi trực tiếp đội bóng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm