Tôi đã được dự hai buổi xin lỗi công khai đối với hai người tù oan, đó là ông Hàn Đức Long (58 tuổi, Bắc Giang) và cụ Trần Văn Thêm (81 tuổi, Bắc Ninh). Ông Long bị giam cầm 11 năm về hai tội giết người và hiếp dâm trẻ em, còn cụ Thêm chịu cảnh oan khiên suốt 43 năm về tội giết người và cướp tài sản.
Có một điểm chung trong cả hai buổi xin lỗi mà TAND Cấp cao tại Hà Nội tổ chức, đó là gia đình bị hại đều phản ứng rất dữ dội.
Cụ Trần Văn Thêm (trái) và ông Hàn Đức Long, hai người phải chịu cảnh tù oan. Ảnh: TUYẾN PHAN
Dù đã rời khỏi gia đình ông Long một ngày, tôi vẫn còn nhớ như in dáng ngồi, nét mặt và giọng nói của ông khi nhắc lại những ngày tháng oan khuất. Ông nói án hiếp dâm, đặc biệt là hiếp dâm trẻ em không giống với những án khác, khi vào tù sẽ bị đối xử rất tệ bởi chính những bạn tù.
11 năm, bên cạnh nỗi đau về tinh thần, những tổn thương về thể xác cũng ngày ngày gặm nhấm ông.
“Uất lắm!” – Cổ họng ông nghẹn lại, mắt đỏ ngầu, tay liên tục đấm vào ngực. Có lẽ chỉ cần một giây nữa thôi, nếu vợ ông bên cạnh không kịp chạy tới đỡ lưng, ông đã ngã về phía sau.
Ông muốn nói nhiều lắm, muốn kể nhiều lắm, về những tháng ngày ông và gia đình phải chịu đau đớn, tủi nhục do bản án oan khiên kia mang lại. Thế nhưng mỗi khi nhắc đến nó, ông lại cảm thấy run sợ và không thể làm chủ bản thân. Nó đã ám ảnh ông quá sâu.
Còn với cụ Thêm, câu nói của cụ khiến tôi nhớ nhất là: “Không có tiền nào có thể đánh đổi 43 năm oan khiên của tôi. Ngày ngồi tù tôi con trai trẻ, đến khi ra tù thì đã sắp sang thế giới bên kia, vậy tiền nong để làm gì. Quan trọng là tôi đã được minh oan, danh dự của gia đình và dòng họ được lấy lại”.
Mỗi khi một vụ án oan được làm sáng tỏ, từ ông Chấn, ông Nén, cụ Thêm hay ông Long, người ta thường nghĩ những người tù oan này sẽ được bồi thường bao nhiêu tiền. Nhưng với họ, sẽ chẳng có tiền nào đổi lại được tuổi thanh xuân và hạnh phúc gia đình đã bị vùi chôn sau song sắt.
Người nhà cháu bé phản ứng dữ dội buổi xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long. Ảnh: TUYẾN PHAN
Quay trở lại với điểm chung của hai vụ xin lỗi, ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh án TAND Cấp cao chính là người đọc lời xin lỗi đối với cả ông Long và cụ Thêm. Nhưng có lẽ ông Tuân cũng không thể ngờ mình rơi vào hoàn cảnh bị người nhà bị hại phản ứng dữ dội đến vậy.
Tại buổi xin lỗi cụ Thêm, thân nhân bị hại không đồng tình với việc người tù này được nhà nước xin lỗi. Họ cho rằng ông Thêm bị oan thì ai mới là thủ phạm; ông Thêm đã được minh oan, vậy người thân của họ đã phải chết một cách oan uổng mà không ai chịu trách nhiệm hay sao?
Nhưng chí ít, trong vụ án này, cơ quan tố tụng giải thích rằng thủ phạm thực sự đã chết. Nhờ vậy, người nhà nạn nhân ít nhiều cũng được nguôi ngoai. Còn với vụ án của ông Hàn Đức Long, câu hỏi lớn chưa được giải đáp; vì vậy, sự bức xúc của gia đình nạn nhân được dồn nén đến tận cùng.
Chứng kiến những ánh mắt đầy sự tức tối, những câu nói chứa đầy phẫn uất của người nhà cháu bé, ai cũng sẻ chia, thương cảm vô cùng. Suốt 11 năm nay, họ tin vào pháp luật, tin rằng hung thủ giết hại con em mình đã phải đền tội, để rồi bây giờ mọi chuyện không phải vậy. Nỗi đau của họ không còn điểm tựa. Họ còn biết bấu víu vào đâu!
Nỗi đau mất một khúc ruột đã được giấu kín 11 năm, giờ nó đã bùng cháy trở lại. Họ bức xúc không phải vì ông Long được minh oan, mà bởi câu hỏi ai mới thật sự là thủ phạm giết hại người thân của họ đã bị cơ quan tố tụng rút lại câu trả lời, bằng việc minh oan cho ông Long...
Buổi xin lỗi ông Long kết thúc chóng vánh. Vị đại diện TAND cấp cao tại Hà Nội bước vội ra chiếc ô tô đợi sẵn ngoài cửa rồi rời khỏi nhà văn hóa xã.
Cha cháu bé bị sát hại dường như chưa nguôi sự phẫn nộ. Ông chạy ra sân, cởi phăng chiếc áo, đứng giữa hàng trăm người mà la hét: “Ai là thủ phạm giết con tôi? Ai?”.
Câu hỏi này của ông không biết khi nào các cơ quan tố tụng mới có thể trả lời…