Sau thời gian dài gác chèo treo lưới, người dân vùng biển bãi ngang tỉnh Quảng Trị đánh bắt trở lại thì bị ám ảnh vì nạn tàu giã cào hoành hành, đâm chìm thuyền của ngư dân, cào luôn ngư cụ của họ làm các cơ quan chức năng đau đầu.
Đâm chìm thuyền, bỏ mặc nạn nhân giữa biển
Ngư dân Trần Anh (xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) chưa hết bức xúc vì vừa bị tàu giã cào đâm chìm ngoài biển.
Anh kể: Khi đang dừng thuyền công suất 10 CV để câu mực cách bờ gần 2 hải lý thì thấy hai tàu giã cào công suất lớn tiến lại gần. “Tôi ra hiệu bằng đèn nháy và đèn pha nhưng hai tàu giã cào này vẫn lao tới, đâm vào thuyền của tôi khiến thuyền bị vỡ, cuốn theo tất cả tài sản và 2.000 m lưới câu xuống biển, sau đó hai tàu này bỏ đi” - anh kể.
Theo ngư dân Anh, sau khi thuyền bị đâm chìm, anh vớ được một khúc gỗ, lênh đênh trên biển trong đêm. “Rất may lúc đó có thuyền của ông Trần Bình (cùng trú xã Triệu Lăng) đang đánh bắt gần đó chạy đến cứu kịp” - ngư dân Anh nói.
Sau khi lên thuyền, anh Trần Anh cùng anh Bình truy đuổi để yêu cầu hai chiếc tàu giã cào quay lại trục vớt chiếc thuyền. Biết bị truy đuổi, hai chiếc tàu tăng tốc, tắt toàn bộ đèn chiếu sáng nhằm tránh bị phát hiện số hiệu. Sau gần một tiếng đồng hồ bám theo, các ngư dân đọc được số hiệu của tàu giã cào là ở tỉnh Quảng Ngãi.
Ngư dân tại vùng biển bãi ngang xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) chuẩn bị ngư cụ ra khơi. Ảnh: NGUYỄN DO
Nhiều ngư dân ở Quảng Trị khi nghe nhắc tới tàu giã cào đều bức xúc vì ngoài cách khai thác tận diệt nguồn hải sản, phá hỏng ngư cụ, các chủ tàu giã cào còn coi thường tính mạng của người dân.
Anh Đoàn Văn Dũng (46 tuổi, trú thị trấn Cửa Việt), nhiều lần là nạn nhân của tàu giã cào, nói: “Trong năm 2016, ước tính tôi bị thiệt hại trên 40 tay lưới. Sau mỗi sự việc, chúng tôi đã gửi đơn lên nhờ các cơ quan chức năng giúp đỡ nhưng đến nay mọi chuyện vẫn y nguyên”.
Ngư dân Nguyễn Văn Hiền (xã Triệu Lăng) than: Trong xã ai cũng ngán ngẩm với tàu giã cào, gọi nó là hung thần giữa biển. Ngư dân phải thay nhau trực. Khi phát hiện tàu giã cào thì ra hiệu cho họ tránh nhưng họ phớt lờ đâm tàu vào, xé hỏng lưới nhưng chẳng làm gì được vì tàu của họ công suất lớn.
Ám ảnh nạn giã cào
Ông Nguyễn Hoài Nam (Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị) cho biết theo phản ánh của người dân thì thời gian gần đây các “hung thần” giã cào xuất hiện đánh bắt rất nhiều tại vùng biển gần bờ tỉnh Quảng Trị. “Họ trà trộn vào hoạt động đánh bắt cùng với ngư dân địa phương nên rất khó phát hiện. Mỗi lần bị tàu giã cào tông, phá ngư cụ, ngư dân đều báo cho Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị và Đồn biên phòng Cửa Việt nhưng khi ra đến nơi, các tàu giã cào đã chạy mất hút” - ông Nam nói.
Trước tình hình này, giữa tháng 4 Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hải đội 2 Bộ đội biên phòng truy quét nhưng các tàu giã cào bỏ chạy, thậm chí là chống trả quyết liệt.
“Theo quy định, tất cả tàu giã cào hoạt động đánh bắt ở vùng ven bờ đều trái phép. Khi gặp lực lượng chức năng, họ chống trả, bỏ chạy. Tàu giã cào có động cơ mạnh nên rất khó truy đuổi. Nhiều lần chúng tôi cho nghi binh để bắt nhưng khi đến nơi thì các tàu này đã chạy mất” - ông Nam cho biết.
“Riêng hành vi đâm chìm tàu rồi bỏ mặc ngư dân, đơn vị đã có văn bản gửi đến Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi tìm hai chiếc tàu theo số hiệu mà chủ thuyền bị nạn cung cấp để xác minh, xử lý” - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị nói.
Hiện Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị kêu gọi sự hợp tác của các ban, ngành liên quan để ngăn chặn, hạn chế “hung thần” tàu giã cào trên biển. Đồng thời, đề xuất ngành thủy sản nhận định lại loại hình giã cào vì hoạt động của loại tàu này gây hại đến sinh thái, gây hoang mang cho các ngư dân.