Điều này cho thấy tiềm năng lớn của thị trường thức ăn đường phố tại VN cũng như cơ hội nhượng quyền ra thế giới. Tuy nhiên, những chuỗi thức ăn đường phố có thương hiệu mới chỉ chiếm 0,59% trong tổng doanh thu, một tỉ lệ rất nhỏ. Trong khi tại Philippines chuỗi ẩm thực đường phố nội địa có thương hiệu chiếm 21%, Đài Loan là 30%, Singapore là 10%.
Đây là thông tin được bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Retail & Franchise Asia, chuyên gia về nhượng quyền và bán lẻ, thông tin tại buổi nói chuyện về “Cơ hội xây dựng chuỗi nhượng quyền ẩm thực đường phố thuần Việt ra thế giới” vừa diễn ra tại TP.HCM. Đặc biệt, bà Vân cảnh báo không riêng ngành bán lẻ mà ẩm thực đường phố của người VN cũng đang bị đại gia Thái Lan lấn lướt ngay trên sân nhà.
Cụ thể, các chuỗi ẩm thực đường phố có thương hiệu ở VN hiện tại có thể kể đến Five Star (gà năm sao), Bánh mỳ que, 1 phút 30 giây, Cà phê Gorthe... Trong đó Five Star, chuỗi cửa hàng chuyên bán gà chiên của Tập đoàn CP Thái Lan, đang nắm thị phần lớn nhất trên thị trường. Ngược lại, ba thương hiệu còn lại của VN như Bánh mì que đang giảm dần thị phần, thậm chí biến mất.
Từ thực tế trên, bà Vân cho rằng muốn khai thác được tiềm năng thị trường này thì các doanh nghiệp (DN) VN phải nhanh chân nếu không muốn mất trắng vào tay các đại gia nước ngoài. “Lợi thế lớn nhất mà DN VN hiện có là xu hướng bản địa đang lên ngôi. Chính vì vậy, các sản phẩm thuần VN, có nguyên liệu từ VN và có tính truyền thống sẽ có cơ hội lớn” - bà Vân gợi ý.
Bên cạnh đó, nếu đại gia nước ngoài xây dựng những mô hình ẩm thực đường phố bán ra nước ngoài được thì DN VN cũng làm được nhưng không nên làm theo kiểu “tiểu nông” mà phải thay đổi cách tiếp cận. Nghĩa là cho dù DN làm mô hình cực nhỏ với vốn chỉ 5, 10 triệu đồng cũng cần xây dựng hệ thống vận hành và quản trị chuyên nghiệp như người bỏ ra 10 tỉ đồng. Đừng nghĩ mình làm ẩm thực đường phố là mình nhỏ, bán chuyên nghiệp. Đó là sai lầm và khó bền vững. Làm kiểu chụp giựt có thể chỉ kiếm tiền được hai, ba năm rồi biến mất.