Gặp nhau ngày 14-9 tại Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ chiến lược giữa hai nước trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lớn mạnh.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Nhật là một trong những nước Ấn Độ tìm kiếm hợp tác để phát triển, sản xuất 6 tàu ngầm diesel bổ sung vào hạm đội tàu ngầm của mình nhằm đối phó Trung Quốc. Ấn Độ dự chi 500 tỉ rupee (7,8 tỉ USD) cho dự án này. Chuyển giao công nghệ tàu ngầm sẽ giúp thắt chặt hơn quan hệ quốc phòng giữa Nhật và Ấn Độ.
Tuần trước, Nhật và Ấn Độ đã có vòng đối thoại hợp tác công nghệ quốc phòng toàn diện đầu tiên, tuy nhiên hiện hai bên chưa xúc tiến thương lượng dự án tàu ngầm, một quan chức ngoại giao Nhật cho biết.
Trong khi đó, một quan chức quốc phòng Ấn Độ cho biết nước này vừa đề xuất với Nhật kế hoạch mua tàu ngầm, và dự đoán tiến trình thương lượng sẽ kéo dài khá lâu.
Tàu ngầm Zuiryu lớp Soryu ở TP Yokosula, tỉnh Kanagawa (Nhật) năm 2013. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo Bloomberg, dù Nhật đang được Ấn Độ nhắm đến để phát triển hạm đội tàu ngầm, nhưng việc thương lượng mua bán này sẽ không dễ thành công, vì nhiều lý do từ phía Nhật. Năm ngoái Nhật cũng không thông qua được cung cấp phiên bản tàu ngầm lớp Soryu cho Úc, dù hai nước có quan hệ an ninh sâu sắc.
Thứ nhất là về giá cả. Nhật chỉ mới bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí quốc phòng năm 2014 sau hàng thập kỷ. Chỉ tập trung nội địa khiến quy mô ngành công nghiệp quốc phòng Nhật khó phát triển, giá thành cao. Ấn Độ và Nhật từng nhiều năm thương lượng chuyện mua bán thủy phi cơ US-2 của tập đoàn quốc phòng Nhật ShinMaywa nhưng vẫn chưa chốt được giá cả, vốn được Nhật định mức 12 tỉ yen (109 triệu USD) mỗi chiếc.
Thủ tướng Modi chủ trương muốn đối tác sản xuất các sản phẩm quốc phòng trên đất Ấn Độ. Điều này sẽ gây khó cho dự án mua bán tàu ngầm. Theo nhiều chuyên gia, điều này sẽ khiến các tập đoàn công nghiệp nặng Nhật như Mitsubishi, Kawasaki – vốn đóng tàu ngầm Nhật – lo ngại không đảm bảo chất lượng.