Trung Quốc cần phải học Ấn Độ cách làm thế nào để tuân thủ các phán quyết của tòa án quốc tế.
Ngày 31-8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu như trên trước các sinh viên Viện Công nghệ Ấn Độ tại New Delhi trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ.
Ông nhắc lại năm 2014, Ấn Độ đã chấp thuận thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye (Hà Lan) trong vấn đề tranh chấp biên giới biển với Bangladesh, một vụ kiện tương tự như vấn đề tranh chấp ở biển Đông.
Ông giải thích: “Đây là hình mẫu giúp giải quyết các tranh chấp có nguy cơ nguy hiểm xuất hiện tại nhiều nơi nguy hiểm… Có thể giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, trong đó có tranh chấp biển Đông”.
Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố: “Mỹ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc và Philippines tôn trọng phán quyết mới đây của Tòa Trọng tài vốn là phán quyết chung cuộc và mang tính chất ràng buộc về pháp lý đối với hai bên”.
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại cuộc họp báo sau Đối thoại Thương mại và chiến lược Ấn Độ-Mỹ ngày 30-8. Ảnh: GETTY IMAGES
Ông khẳng định Mỹ ủng hộ các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Ông nhấn mạnh trong vấn đề tranh chấp sẽ không có giải pháp quân sự.
Reuters ghi nhận tuyên bố của Ngoại trưởng John Kerry được đưa ra ngay trước hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được Trung Quốc tổ chức tại Hàng Châu trong hai ngày 4 và 5-9.
Báo Times of India ghi nhận trong buổi điều trần trước Quốc hội hồi đầu tháng 7 (trước khi phán quyết trọng tài về biển Đông được công bố), Phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á Abraham Danemark cũng đã từng kêu gọi Trung Quốc tương tự như lời ông John Kerry vừa tuyên bố.
Lúc đó ông Abraham Danemark đã nói: “Năm 2014, Tòa Trọng tài đã công bố phán quyết ủng hộ Bangladesh và bác bỏ yêu cầu của Ấn Độ trong vụ tranh chấp biển kéo dài ba thập niên… Với thế lực to lớn, Ấn Độ vẫn chấp thuận và tôn trọng phán quyết”.
Ông ghi nhận: “Cần lưu ý rằng cách giải quyết vấn đề này đã củng cố hiểu biết lẫn nhau và thiện chí giữa hai nước. Đây là một ví dụ, chúng ta sẽ khuyến khích Trung Quốc noi theo”.
Trước đó, sau Đối thoại Thương mại và chiến lược Ấn Độ-Mỹ lần thứ hai tại New Delhi hôm 30-8, hai bên Ấn Độ và Mỹ đã cùng công bố tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì tự do hàng hải, tự do hàng không và không cản trở thương mại trong toàn khu vực, kể cả ở biển Đông.
Tuyên bố chung kêu gọi tuyệt đối tôn trọng luật pháp quốc tế như Công ước LHQ về luật biển.
Tuyên bố chung tiếp tục khẳng định các quốc gia phải giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình và thể hiện kiềm chế trong các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc gia tăng căng thẳng gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.
Đối thoại Thương mại và chiến lược Ấn Độ-Mỹ do Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chủ trì cùng với Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Nirmala Sitharaman và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker.
Kênh truyền hình Channel News Asia đưa tin ngày 30-8, phát biểu tại cuộc điều trần trước Quốc hội Philippines, Bộ trưởng Ngoại giao Perfecto Yasay tuyên bố Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài về tranh chấp biển Đông. Ông nói: “Chúng ta phải cố làm cho Trung Quốc hiểu, nhất là khi mọi việc đã dịu xuống, rằng nếu không tôn trọng và không thừa nhận phán quyết trọng tài, cuối cùng Trung Quốc sẽ thua thiệt”. Trước đó, vào ngày 29-8, Tổng thống Rodrigo Duterte lại khẳng định muốn ưu tiên đàm phán song phương với Trung Quốc và tạm thời gác lại phán quyết trọng tài. ____________________________ Chúng ta đều quan tâm không thổi bùng ngọn lửa xung đột và khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp và yêu sách thông qua tiến trình pháp lý và ngoại giao. Ngoại trưởng Mỹ JOHN KERRY |