Ấn Độ: Giới khoa học nói chính phủ 'phớt lờ' cảnh báo biến thể

Hồi đầu tháng 3, một diễn đàn gồm các cố vấn khoa học do chính phủ Ấn Độ thành lập đã cảnh báo các quan chức nước này về một biến thể mới dễ lây lan hơn chủng virus gây COVID-19 đang xuất hiện tại quốc gia này.

Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo, chính phủ liên bang đã không siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, hãng tin Reuters ngày 1-5 dẫn lời bốn trong năm nhà khoa học thuộc diễn đàn trên chia sẻ.

Ấn Độ: Giới khoa học nói chính phủ 'phớt lờ' cảnh báo COVID-19. Ảnh: REUTERS

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 tại Ấn Độ tiếp tục diễn biến phức tạp, khi hàng triệu người dân Ấn Độ, không đeo khẩu trang, trước đó đã tham dự các lễ hội tôn giáo và các cuộc mít-tinh vận động tranh cử do Thủ tướng Narendra Modi, các nhà lãnh đạo của đảng Bharatiya Janata cầm quyền và các chính trị gia đối lập tổ chức.

Trong khi đó, hàng chục nghìn nông dân Ấn Độ tiếp tục tuần hành tới New Delhi để phản đối những thay đổi trong chính sách nông nghiệp của ông Modi.

'Chính phủ phớt lờ'?

Theo Reuters, Tổ chức Di truyền SARS-CoV-2 của Ấn Độ (INSACOG) hồi đầu tháng 3 đã đưa ra các cảnh báo về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 tại Ấn Độ. 

Theo ông Ajay Parida - giám đốc trung tâm nghiên cứu ở miền bắc Ấn Độ đồng thời là thành viên INSACOG, cảnh báo trên đã được chuyển tới một quan chức cấp cao, người có trách nhiệm báo cáo trực tiếp với thủ tướng. 

Reuters hiện chưa xác minh được liệu các cảnh báo của INSACOG có được báo cáo lên Thủ tướng Modi hay không.

Văn phòng thủ tướng hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Hồi cuối tháng 12-2020, chính phủ Ấn Độ đã thành lập INSACOG với vai trò là một diễn đàn gồm các cố vấn khoa học có nhiệm vụ phát hiện các biến thể của chủng virus gây đại dịch COVID-19 có nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng. 

Các nhà nghiên cứu của INSACOG lần đầu tiên phát hiện biến thể kép B.1.617 tại Ấn Độ vào đầu tháng 2, Reuters dẫn lời ông Parida cho biết.

Theo ông Parida, INSACOG đã chia sẻ phát hiện của mình với Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia (NCDC) thuộc Bộ Y tế Ấn Độ trước ngày 10-3, cảnh báo rằng tình trạng lây nhiễm có thể nhanh chóng gia tăng ở các vùng Ấn Độ. 

Ông Parida cho biết kết quả nghiên cứu sau đó đã được báo cáo lên Bộ Y tế. 

Bộ Y tế Ấn Độ hiện chưa đưa ra bình luận.

INSACOG phát hiện biến thể mới 

Vào khoảng thời gian ngày 10-3, INSACOG đã chuẩn bị một dự thảo thông cáo báo chí cho Bộ Y tế. 

Theo Reuters, bản dự thảo thông cáo mà hãng tin tiếp cận được đã nêu rõ: biến thể mới của virus tại Ấn Độ có hai đột biến đáng kể thuộc phần virus bám vào tế bào người và biến thể này đã được tìm thấy trong 15% đến 20% mẫu bệnh phẩm tại Maharashtra, bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Ấn Độ.

Bản dự thảo đã nêu rõ các đột biến, được đặt tên là E484Q và L452R, là "mối quan ngại cao". 

Bản dự thảo thông cáo còn cho biết "có dữ liệu cho thấy đột biến E484Q thoát khỏi các kháng thể trung hòa cao trong các tế bào và có dữ liệu cho thấy đột biến L452R là nguyên nhân gây ra việc tăng khả năng lây truyền và thoát miễn dịch".

Nói cách khác, về cơ bản, điều này có nghĩa là các đột biến của biến thể virus có thể dễ dàng xâm nhập vào tế bào người và chống lại phản ứng miễn dịch của cơ thể người.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, khoảng hai tuần sau đó, Bộ Y tế Ấn Độ ngày 24-3 đã ra thông cáo báo chí công khai về các phát hiện của INSACOG, song lại không đề cập cụm từ "mối quan ngại cao". 

Thông cáo chỉ nêu rằng nhiều biến thể phức tạp hơn đòi hỏi cần các biện pháp, vốn đã và đang được tiến hành, gồm tăng cường xét nghiệm và kiểm dịch. Từ thời điểm đó, quá trình xét nghiệm tại Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi lên 1,9 triệu ca xét nghiệm mỗi ngày.

Trả lời câu hỏi tại sao chính phủ Ấn Độ không phản ứng mạnh mẽ hơn liên quan các phát hiện biến thể, chẳng hạn bằng cách hạn chế các cuộc tụ tập đông người, ông Shahid Jameel - chủ tịch nhóm cố vấn khoa học của INSACOG – bày tỏ lo ngại rằng giới chức trách đã không để tâm đến các phát hiện trong quá trình đưa ra chính sách.

“Chính sách phải dựa trên bằng chứng chứ không phải là ngược lại. Tôi lo ngại rằng khoa học đã không được chú trọng trong quá trình đưa ra chính sách. Nhưng tôi biết quyền hạn của mình dừng lại ở đâu. Với tư cách là các nhà khoa học, chúng tôi cung cấp bằng chứng, việc hoạch định chính sách là việc của chính phủ” – ông Jameel trao đổi với Reuters.

Reuters dẫn lời ông Parida cho biết dự thảo thông cáo báo chí đã được gửi đến Bộ trưởng Nội các Rajiv Gauba, người có trách nhiệm báo cáo trực tiếp với thủ tướng. 

Tuy nhiên, Reuters chưa xác minh được liệu văn bản này đã được báo cáo lên thủ tướng hay chưa. Ông Gauba hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Ngày 30-4, Ấn Độ đã ghi nhận 386.452 ca nhiễm mới, con số cao nhất trong chuỗi chín ngày liên tiếp nước này ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Ấn Độ đã gần 19 triệu ca, trong đó số ca tử vong đã vượt qua 200.000 người do các chủng virus mới độc hại kết hợp với các sự kiện "siêu lây nhiễm" như các cuộc biểu tình chính trị và lễ hội tôn giáo.

Chủng virus gây COVID-19 biển thể Ấn Độ hiện đã xuất hiện tại ít nhất 17 quốc gia bao gồm Anh, Thụy Sĩ và Iran, khiến một số chính phủ phải đưa ra biện pháp cấm nhập cảnh đối với những người du lịch từ Ấn Độ. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không tuyên bố chủng virus đột biến tại Ấn Độ là "biến thể đáng lo ngại", như đã từng làm đối với các biến thể được phát hiện lần đầu tiên ở Anh, Brazil và Nam Phi. 

Tuy nhiên, WHO hôm 27-4 cho biết kết quả nghiên cứu ban đầu, dựa trên giải trình tự bộ gen, cho thấy B.1.617 có tốc độ phát triển cao hơn so với các biến thể khác tại Ấn Độ.

Ông Rakesh Mishra - giám đốc Trung tâm Sinh học Tế bào và Phân tử đồng thời là thành viên INSACOG - chia sẻ rằng cộng đồng khoa học tại Ấn Độ đã thất vọng.

“Chúng tôi có thể làm tốt hơn, khoa học đã có thể mang lại nhiều ý nghĩa hơn. Những gì chúng tôi phát hiện được theo bất kỳ cách nào, dù có nhỏ đi nữa, lẽ ra phải được sử dụng một cách tốt hơn” – ông Mishra chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới