Bát nháo quanh khu vực Lăng Ông Bà Chiểu

Vào Lăng Ông Bà Chiểu, khách thập phương và người dân trong vùng sẽ được nghe những lời chào mời: “Coi bói không, ở đây thầy coi hay lắm. Coi đi, coi không tốn tiền đâu. Người có thì cho một trăm, không có thì năm, ba chục ngàn, mà ai không có nữa thì hai chục ngàn cũng được”. Đây chính là lời chào mời của những người cò bói trong khu Lăng Ông.

Những ngày đầu tháng 8 âm lịch, chúng tôi đến Lăng Ông. Trời nắng gay gắt, vừa ngồi xuống băng ghế, một người phụ nữ ngoài 50 tuổi tiến lại, tay cầm mấy tờ vé số, tay xách chiếc xô nhỏ, miệng vừa nhai bắp vừa mời chúng tôi mua vé số. Chúng tôi lắc đầu, bà ta liền ngồi ngay xuống mép lối đi. Cắn mấy hạt bắp, bà ta tiếp tục mời coi bói. Chúng tôi lắc đầu, bà lại thao thao rằng ở đây “thầy” bói hay lắm đó, xem cái gì cũng đúng, xem cả tương lai lẫn quá khứ, xem đường tình duyên, sự nghiệp, xem cho cha mẹ, anh em... Để biết thầy cao tay đến đâu, chúng tôi đồng ý để thầy coi. Ngoắc một ngón tay, bỗng một ông “thầy” gầy gò ngồi gần đó tiến lại. Hỏi qua về ngày tháng năm sinh, “thầy” phán liền rằng tôi cao số, lận đận đường đời, cuộc sống trắc trở... Tôi tỏ vẻ không tin, “thầy” nói chắc như đinh đóng cột rằng tương lai sẽ cho tôi biết đó là sự thật. Vừa nói mắt “thầy” vừa nhìn về phía cổng chính (đường Vũ Tùng), nơi một người đàn bà mặc bộ đồ đỏ đang liếc nhìn về phía chúng tôi. Thì ra, đây không phải là địa bàn hoạt động của “thầy” mà là địa bàn của một “thánh nữ”. “Thầy” phải coi chừng, để tránh việc “thánh nữ” cho người tới quậy.

Bát nháo quanh khu vực Lăng Ông Bà Chiểu ảnh 1

Bói toán dưới hình thức ngồi nói chuyện 

Bát nháo quanh khu vực Lăng Ông Bà Chiểu ảnh 2

Sau giờ họp chợ là... rác!


Khi chúng tôi bước qua băng ghế khác, thả lỏng mình dưới gốc cây vô ưu trĩu quả, ngay lập tức một người phụ nữ tiến lại hỏi: “Mấy con mới coi bói à?”. Bà ta tiếp lời: “Ở đây cô mới là người coi chính, nó (người đàn ông - PV) thì biết gì mà coi”. Giọng bà ta tỏ vẻ bực bội và hung dữ. Biết chúng tôi chưa coi bói, bà ta liền ngọt nhạt: “Con có coi không, cô coi hay lắm, cô chỉ lấy ba chục ngàn tiền công thôi”. Chúng tôi tỏ ra lo lắng, sợ bảo vệ lăng bắt được. Liếc con mắt sắc sảo, người đàn bà nói nhỏ: “Ngồi trên ghế nói chuyện ai mà biết được”.

Cũng theo lời của bà cốt này thì bà và đồng nghiệp đã hành nghề ở đây từ rất lâu. Thế nhưng, ban quản lý và lực lượng bảo vệ Lăng Ông có lẽ không hề hay biết?

Ngoài dịch vụ bói toán, Lăng Ông Bà Chiểu còn là nơi “đất lành” cho nhiều dịch vụ khác như buôn bán và săn bẫy chim. Là mảnh đất màu mỡ cho cò vé số, lô đề âm thầm hoạt động. Các cò thường ngồi trong khu vườn cạnh đường Đinh Tiên Hoàng chờ khách tấp lại “gửi” vội một con lô. Buổi chiều khi giờ vé số xổ, các cò chụm lại để tổng kết tiền, tổng kết các con số.

Trên đường Trịnh Hoài Đức và đường Vũ Tùng, việc họp chợ diễn ra hàng ngày. Buôn bán là một phương kế kiếm sống cần thiết của người lao động, chỉ có điều sau khi thu dọn hàng hóa thì người buôn kẻ bán quên không dọn rác. Rác thải ngập ngụa đầy miệng cống, trên vỉa hè. Cộng thêm khu trung chuyển rác của quận Bình Thạnh nằm kề sát bên đã khiến Lăng Ông ở khu vực gần chợ trở nên nhếch nhác, hôi thối kinh khủng.

Trao đổi với phóng viên về việc này, ông Bùi Nguyên Vũ, Phó chủ tịch UBND phường 1, thừa nhận có dịch vụ bói toán song các đối tượng này hành nghề âm thầm, lén lút nên rất khó quản lý. Tuy nhiên, trong thời gian tới ủy ban và công an phường sẽ kết hợp chặt chẽ hơn nhằm làm sạch cho khu di tích lịch sử này.

Theo Nhật Linh (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm