Địa phương lơi lỏng kiểm soát gia cầm

Ông Văn Đăng Kỳ- Trưởng phòng Dịch tễ Cục Thú y (Bộ Y tế) chìa quyển sổ ghi tất cả thông tin của đường dây nóng của Cục Thú y. “Mấy ngày qua, Cục Thú y đã nhận được nhiều thông tin về gia cầm chết hàng loạt tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tây, Nam Định, Bắc Ninh... Ngoài những tỉnh trên, bảy tỉnh đang bùng phát dịch cúm gia cầm rất nghiêm trọng. Theo quy định, tất cả tỉnh trên đều phải công bố có dịch cúm gia cầm và áp dụng các biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập” của Cục Thú y đối với tỉnh có dịch. Dự báo sẽ có một đợt dịch cúm gia cầm bùng phát ở miền Bắc khi thời tiết vẫn rét đậm, rét hại kéo dài” - ông Kỳ lo lắng.

Gà chết trôi sông, vẫn “không có cúm”

“Nguyên nhân người bị nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 lần này là do người dân còn chưa nhận thức tính chất nguy hiểm của bệnh. Nhiều người còn chủ quan, không cẩn thận khi giết mổ gia cầm, thậm chí còn ăn gia cầm chết” - ông Văn Đăng Kỳ nói.

Cũng theo ông Kỳ, Cục kiểm tra các địa phương thì thấy công tác giám sát dịch bệnh không được tăng cường, có nơi có người bị nhiễm bệnh rồi mới biết có dịch. Các địa phương báo cáo “đã hoàn thành việc tiêm phòng trên gia cầm” nhưng khi có ổ dịch mới, cơ quan thú y kiểm tra thấy tất cả đều không được tiêm phòng vaccine hay tiêm phòng không đúng quy định. “Như ở huyện Chí Linh (Hải Dương) hôm 19-2, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh vẫn khẳng định chưa có dịch cúm gia cầm. Thế nhưng chiều cùng ngày, người dân lại điện thoại theo đường dây nóng phản ánh có đến chín túi xác gia cầm chết trôi sông” - ông Kỳ nói.

Ngay tại Hà Nội, nhiều chợ như Láng Hạ, Cống Vị... trưa hôm qua (20-2) vẫn có nhiều hàng bán gà sống, gà mới làm sạch lông. Những người bán hàng cho biết gà được lấy từ Hà Tây trong khi tỉnh này đang có dịch cúm gia cầm. “Chết phải có... số đấy! Tôi bán hàng tôi biết, gà Hà Tây cứ yên tâm mà ăn (!). Dịch có tới Hà Nội đâu mà sợ!”- những người bán hàng “khuyến khích” mua.

Để dịch dây dưa: Trách nhiệm chi cục trưởng

Cục Thú y cho biết sẽ tiếp tục có yêu cầu Chi cục Thú y các địa phương để xảy ra dịch và các địa phương có ca nhiễm virus cúm A/H5N1 phải nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm trên toàn địa phương.

Hôm qua, Cục Thú y cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương phải triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới. Địa phương để dịch xảy ra dây dưa, kéo dài thì Chi cục trưởng Chi cục Thú y và các cá nhân liên quan sẽ bị xem xét trách nhiệm. Chi cục Thú y phải tuyên truyền, phổ biến các nội dung chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm và các biện pháp phòng chống đến tận thôn, bản, xã...

Ngoài ra, ông Văn Đăng Kỳ nhấn mạnh: Tuyệt đối nghiêm cấm những địa phương đã công bố dịch không được vận chuyển tiêu thụ sản phẩm gia cầm, gia cầm sống sang các địa phương khác.

Chiều hôm qua, Cục Thú y đã làm hợp đồng mua 250 triệu liều vaccine cúm H5N1 của Trung Quốc. Hiệu lực của vaccine đã được kiểm nghiệm, giao cho Xí nghiệp Vật tư và thiết bị thú y Navetco kiểm nghiệm chất lượng và lưu hành. Số vaccine này sẽ được phân phối cho tất cả các địa phương hoàn thành tiêm phòng đại trà cho các địa phương trong hai tháng 3 và 4.

Bạc Liêu: Một người chết nghi nhiễm cúm gia cầm

Đó là ông La Văn Tấn ở phường 8 (TX Bạc Liêu). Ông Tấn được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu vào ngày 19-2 trong tình trạng khó thở, suy hô hấp nặng, sốt cao, được xử lý như bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm. Cùng ngày, ông Tấn suy kiệt, chết tại Bệnh viện Cần Thơ. Khu vực ông Tấn ở có nhiều người nuôi gia cầm thả rông, gà chọi. Mẫu bệnh phẩm của ông Tấn đã được gửi đi xét nghiệm.

Phòng dịch cúm lây sang người

Tối qua (20-2), ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết ngày 19-2, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế 64 tỉnh, thành yêu cầu phải sớm có biện pháp phát hiện sớm và phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người. Theo ông Nga, nguy cơ dịch bùng phát rộng trên người là rất lớn, nhất là thời tiết ấm dần lên tạo điều kiện cho virus cúm phát triển.

Cũng theo ông Nga, chiều tối qua chưa có thêm bệnh nhân nào nghi nhiễm virus cúm A/H5N1 nhập viện.

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm