Điện giật chết người

Năm 2005, do hoa màu của gia đình thiếu nước tưới, K. đã liên hệ với tổ điện của một HTX nông nghiệp ở địa phương mua điện, kéo dây bơm nước lên. Được đồng ý, K. đã kéo khoảng 400 m dây đi qua Suối Ngang đến khu đất trồng hoa màu của gia đình. Tháng 9-2007, đường dây điện này không may bị kẻ trộm chơi xấu, cắt đứt ở ngay trụ tre sát bờ suối. Lý ra nếu mùa khô, K. sẽ nối dây để có điện bơm nước. Nhưng do đã đến mùa mưa, không cần phải bơm nước nữa nên K. chạy ra thu đoạn dây bị đứt vào. Tuy nhiên khi thu dây, K. chỉ thu phần dây không có nguồn điện về nhà, phần còn lại có điện thì K. vẫn... để nguyên. Mưa lũ quét qua, trụ điện bị đổ, dây điện rơi xuống đất nhưng không ai phát hiện. Một ngày tháng 11-2007, một người câu cá đi ngang, vô tình chạm vào đầu dây nên bị điện giật chết.

“Cha bảo gì làm nấy”

Sau tai nạn, cơ quan công an đã khởi tố K. về tội vô ý làm chết người. Tuy nhiên tại phiên tòa sơ thẩm cuối tháng 8-2008, K. một mực cho rằng mình bị oan. K. bảo: “Khi đường dây bị đứt, bị cáo đã báo cho nhân viên tổ điện của HTX cắt điện. Bị cáo đã làm hết nhiệm vụ của mình. Việc đường dây vẫn có điện và gây nên vụ chết người không thuộc trách nhiệm của bị cáo...”

Ngoài ra K. cho rằng: “Cha bị cáo là người trực tiếp hợp đồng với HTX về việc sử dụng điện, là người bỏ tiền ra mua dây điện. Bị cáo là con, cha bảo làm gì thì làm nấy nên nếu có trách nhiệm thì trách nhiệm phải thuộc về... cha bị cáo...”.

Cuối cùng K. khẳng định: “Trong vụ này, bị cáo không có tội”.

Người cha của K. tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng có lập luận tương tự. Phía luật sư bào chữa cũng cho rằng buộc tội bị cáo là không đúng. Trách nhiệm phải thuộc về nhân viên tổ điện và HTX. Cha bị cáo nếu có phạm tội thì cũng chỉ phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng mà thôi...

Phạm tội vô ý làm chết người

Về phía mình, nhân viên tổ điện trước sau vẫn cho rằng ông không hề nghe thấy K. báo cắt điện. Do đó ông không biết và cũng không thể tự tiện cắt điện.

Sau hai ngày xét xử, hội đồng xét xử nhận định, theo các tài liệu chứng cứ, K. trực tiếp quản lý, sử dụng đường dây điện do người cha đứng tên chủ hộ. Mặc dù đường dây điện không được sử dụng từ tháng 9-2007 và biết đây là khu vực gần sông, thường xảy ra lũ lụt nhưng bị cáo không báo cắt điện. Bị cáo cũng đã bỏ mặc dây điện đứt, không kiểm tra an toàn đường dây, để trụ điện ngã làm dây điện rơi xuống đất dẫn đến hậu quả làm chết người. Hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội vô ý làm chết người. Tòa phạt bị cáo hai năm tù. Buộc bị cáo và cha phải bồi thường cho gia đình người bị hại hơn 134 triệu đồng.

Cho rằng tòa xử như vậy là quá oan ức nên ngay sau phiên xử, K. đã kháng cáo kêu oan. Cha của K. thì kháng cáo toàn bộ bản án... Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm vụ án này.

A MA KHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm