Tây Ninh: Bị bắt vì đòi lại tiền “chung chi”

Ngày 10-7, Công an huyện Châu Thành (Tây Ninh) đã khởi tố, bắt tạm giam Lê Văn Hoàng (40 tuổi) về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Hoàng bị bắt khi đến nhà Lê Quang Thành (31 tuổi, nguyên cán bộ tư pháp xã Trí Bình, huyện Châu Thành) để đòi lại bốn triệu đồng Hoàng đã đưa cho ông Thành để nhờ làm giấy tờ.

Phải “chung chi” mới chịu làm

Trước đó, vào ngày 17-6, công an bắt quả tang Thành nhận hối lộ của anh LVL tại một quán cà phê. Nguyên do ban đầu là anh L. muốn xin điều chỉnh năm sinh trên giấy khai sinh của em gái mình cho trùng khớp với sổ hộ khẩu thường trú và học bạ. Khi nghe anh L. trình bày, ông C. (cán bộ UBND xã) liền rủ ra quán nhậu rồi gợi ý “phải chi tiền mới xong việc”. Ông C. điện thoại Thành đến. Tại đây, Thành hứa sẽ giải quyết trong vòng một tuần. Hôm sau, ông C. nhắn anh L. “Thành đòi năm triệu đồng mới chỉnh năm sinh”. Bức xúc trước hành vi nhũng nhiễu, anh L. đã đến công an tố cáo. Lúc đến quán cà phê, ngay lúc Thành nhận tiền bỏ vào túi áo, Công an huyện Châu Thành ập vào bắt quả tang. Được biết, Thành là cán bộ tư pháp xã Trí Bình gần 10 năm.

Đòi lại tiền “hối lộ” thì bị bắt

Sau khi Thành bị bắt giam, Công an huyện Châu Thành nhận được thông tin Hoàng cũng từng “hối lộ” cho Thành để chỉnh sửa giấy tờ.

Vào đầu năm nay, Hoàng nhờ Thành chỉnh sửa tên, chữ lót trên giấy khai sinh của vợ thì Thành ra giá “phải đưa năm triệu đồng mới chỉnh”. Hoàng đưa trước bốn triệu đồng, chờ gần một tháng nhưng giấy tờ vẫn chưa xong. Sau đó, Hoàng đưa thêm một triệu đồng, giấy khai sinh đã được chỉnh sửa.

Khi hay tin Thành bị bắt, vợ Hoàng đến gặp vợ Thành xin lại số tiền “lót tay” trước đây. Theo lời vợ Hoàng tường trình, chị T. (vợ của Thành) đề nghị: “Sẽ trả lại tiền nhưng khi anh Hoàng đến làm việc với công an thì phải nói điều có lợi cho anh Thành”. Hoàng đồng ý: “Tôi sẽ nói do chỗ quen biết, anh Thành không đòi hối lộ mà chỉ đi uống cà phê thôi”. Hôm sau Hoàng đến, vừa nhận ba triệu đồng ra về thì bị người nhà của Thành giữ lại, đồng thời báo Công an xã Trí Bình đến lập biên bản.

Theo dư luận bà con địa phương, không riêng trường hợp của Hoàng, anh L. mà còn nhiều người khác trong xã cũng bị Thành gây khó khăn nhằm vòi vĩnh tiền bạc khi đến làm giấy tờ hộ tịch. Do đó, cơ quan điều tra cần xem xét, làm rõ việc anh Hoàng “đòi lại tiền chung chi mà bị bắt” để người dân an tâm tố cáo những vụ khác của Thành.

Luật sư Trần Minh San, Đoàn luật sư TP.HCM:

“Cưỡng đoạt” hay “đưa hối lộ”?

Theo tôi, không thể buộc anh Hoàng về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Bởi vì, bản thân Hoàng không có hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác làm cho vợ anh Thành lo sợ đến nỗi phải giao tiền cho Hoàng. Trước đó, hai bên đã thực hiện hoàn thành việc giao, nhận hối lộ. Thành hứa hẹn và thực hiện công việc có lợi cho Hoàng. Mặc dù Hoàng có thể bị ép buộc đưa hối lộ nhưng anh không chủ động tố cáo. Trong quá trình điều tra, có thể Hoàng không bị truy tố tội cưỡng đoạt tài sản nhưng sẽ bị truy tố tội đưa hối lộ.

ĐỨC BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm