Án oan làm nóng nghị trường

Oan, sai trong tố tụng hình sự không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, oan án 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) - người con duy nhất của một liệt sĩ chống Mỹ, nhờ vậy mà được “khoan hồng” cho hưởng án chung thân trong một vụ giết người không do mình gây ra - đã làm nóng bỏng phiên chất vấn của QH với Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, vắt từ sáng tới giữa buổi chiều 21-11.

Một chất vấn dính trách nhiệm ba ngành

ĐB Nguyễn Bá Thuyền, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng, hỏi: Hằng năm vẫn có hàng chục ngàn đơn xin giám đốc, tái thẩm những bản án đã có hiệu lực pháp luật, chứng tỏ người dân chưa thực sự tin vào công lý. Vậy giải pháp của chánh án thế nào? “Vụ án Nguyễn Thanh Chấn bị xét xử tù chung thân, sau 10 năm mới được minh oan gây bức xúc trong dư luận. Vậy trách nhiệm của ngành tòa án đến đâu và chánh án có giải pháp gì để minh oan, xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho dân? Liệu còn bao nhiêu con thỏ mà chúng ta lại tuyên là con gấu?” - ông Thuyền hỏi rất ví von.

Tiếng cười trong hội trường vừa dứt thì ĐB Lê Thị Nga đặt câu hỏi rất nghiêm túc cho cả ba vị đứng đầu cơ quan tố tụng - TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an: “Một, trách nhiệm của ngành trong việc để xảy ra một số vụ điều tra, truy tố, xét xử oan và giải pháp chống oan thời gian tới? Hai, có những phản ánh về điều tra viên ép, bức cung, nhục hình nên phải nhận tội mà mình không thực hiện. Các đồng chí có giải pháp gì để chống lại vi phạm này?”.

Án oan làm nóng nghị trường ảnh 1

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình: “Oan với người bị buộc tội mức cao 20 năm, chung thân, tử hình là không thể chấp nhận. Còn xét xử có phát hiện ra ép cung hay không là một điều rất khó”. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): “Trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, trách nhiệm của ngành tòa án đến đâu? Liệu còn bao nhiêu con thỏ mà chúng ta lại tuyên là con gấu?”.

Đến phần trả lời, Chánh án Trương Hòa Bình dẫn ra các số liệu khẳng định tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm/tái thẩm đã tăng lên rất cao, năm 2013 đạt 63,3% cho thấy những nỗ lực của ngành tòa án. Riêng con số để đánh giá niềm tin của người dân vào bản án của tòa, ông Bình cho biết mỗi năm cả ngành nhận được khoảng 5.000 đơn, tính trên tổng số 370.000 vụ việc thì không nhiều. “Tôi tham khảo kinh nghiệm các nước, thấy lượng đơn người ta cũng xấp xỉ như mình thôi” - ông Bình nói.

Tòa khó phát hiện được ép cung

Về vấn đề án oan, đầu tiên chánh án khẳng định cán bộ các cơ quan tố tụng “là cán bộ tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân... và đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận là “trên thực tế cũng có để xảy ra oan sai” và “oan với người bị buộc tội mức cao 20 năm, chung thân, tử hình là không thể chấp nhận”.

“Xét xử có phát hiện ra ép cung hay không là một điều rất khó” - người đứng đầu ngành tòa án nói và lý giải theo quy định hiện hành, điều tra đã có sự tham gia từ đầu của kiểm sát, ở tất cả các bước bắt, giữ, tạm giam, khởi tố, truy tố. Đến khi xét xử thì VKS cũng kiểm sát cả xét xử. Nếu có ép cung, nhục hình thì luật sư phải chứng minh. Còn ra tới tòa, HĐXX chỉ dựa trên tài liệu, chứng cứ theo hồ sơ VKS chuyển sang. Cho nên hồ sơ đã “khép kín” thì khó mà chỉ ra chuyện ép cung được.

Vậy giải pháp là gì? Theo Chánh án Bình, với ngành tòa án, không có cách nào khác là phải nâng cao trình độ bản lĩnh của thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký. Trong quá trình nhận hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ phải tinh thông, nhạy bén; đủ bản lĩnh để phát hiện ra những dấu hiệu không bình thường trong hồ sơ truy tố. “Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao chất lượng, trình độ, bản lĩnh của cán bộ công chức ngành tòa án” - ông nói.

Ngoài ra, trước những bức xúc của cử tri về nguy cơ oan, sai trong các vụ án hình sự, người đứng đầu ngành tòa án cho biết đang chỉ đạo rà soát tất cả bản án hình sự có khiếu nại kêu oan mà có ý kiến, bút phê của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của MTTQ hay báo chí và ĐBQH nêu. Trong số này, sẽ tập trung vào những vụ án mà có hình phạt cao hoặc chung thân, tử hình. “Những vụ việc ấy, nếu phát hiện tình tiết tái thẩm, chúng tôi sẽ phối hợp với VKSND Tối cao để xem xét” - ông Bình cam kết.

Sẽ có đề án chống bỏ lọt, làm oan

Chỉ một chất vấn của ĐB Lê Thị Nga mà đụng tới trách nhiệm của cả viện trưởng VKSND Tối cao, bộ trưởng Công an. Theo yêu cầu của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, buổi chiều, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã giải trình bằng một bài được chuẩn bị sẵn.

Theo đó, bộ trưởng Công an khẳng định quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của ngành là không bỏ lọt nhưng cũng không làm oan người vô tội, đồng thời nghiêm cấm ép cung, nhục hình. Với những việc sai trái xảy ra, ở khâu điều tra thì thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên trực tiếp phải chịu trách nhiệm. Còn ở phạm vi cả nước, “Bộ Công an phải chịu trách nhiệm với toàn bộ hoạt động của các cơ quan điều tra, kể cả việc để xảy ra oan sai” - ông nói.

Về giải pháp phòng ngừa, ông Quang nhắc lại các giải pháp như thường xuyên giáo dục, nâng cao trình độ cán bộ điều tra; đòi hỏi quá trình điều tra phải thu thập cả yếu tố buộc tội lẫn gỡ tội. Ngoài ra, phải xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, mà điển hình là việc tước quân tịch, truy tố những điều tra viên Công an huyện Thạch Thất, Hà Nội nhục hình làm chết người bị tạm giữ. Và để căn cơ, lâu dài, hiện Bộ Công an đang xây dựng đề án chống bỏ lọt, làm oan trong điều tra hình sự.

Trong chất vấn, ĐB Nga đề xuất hai giải pháp: Lắp camera buồng hỏi cung để giám sát, ngăn ngừa bức cung, nhục hình; và chuyển việc quản lý tạm giam, tạm giữ, trại giam từ Bộ Công an sang ngành khác độc lập hơn, tránh tình trạng công an vừa giam vừa điều tra, dễ lạm quyền.

Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết việc lắp camera đang được nghiên cứu và đã triển khai ở một số nơi. Tuy nhiên, đang gặp khó khăn vì thiếu kinh phí. Riêng vấn đề giam, giữ, ông cho biết: “Cơ quan điều tra không quản lý mà tập trung thống nhất ở Tổng cục Thi hành án hình sự”.

Án oan làm nóng nghị trường ảnh 2
Án oan làm nóng nghị trường ảnh 3
Án oan làm nóng nghị trường ảnh 4

NGHĨA NHÂN - BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm