Bị cáo là người dân tộc khả năng hiểu tiếng Việt hạn chế nhưng không có người phiên dịch, nạn nhân khiếm thính cũng không có người có chuyên môn giúp.
Năm 2001, chị ĐTC (ngụ huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ cũ, nay là TP Cần Thơ) phát hiện con gái là cháu ĐHN (SN 1985 bị câm từ nhỏ) có dấu hiệu lạ nên đưa đến bệnh viện khám. Kết quả khám tại bệnh viện cho thấy cháu N. có thai được hơn 14 tuần. Chị C. hỏi cháu N. ai là “thủ phạm” (cháu N. nghe bình thường) thì cháu chỉ tay sang một nhà cùng ấp. Từ cái chỉ tay, chị C. đã làm đơn tố cáo chủ nhà đó hiếp dâm con mình. Công an vào cuộc nhưng sau đó không đủ cơ sở xác định người này là thủ phạm.
Chứng cứ yếu ớt
Qua việc phát động phong trào quần chúng đấu tranh phòng chống tội phạm, ông Võ Văn Mai, một người dân cùng ấp đã cung cấp cho cơ quan điều tra thông tin là ông đã nhìn thấy ông Mai Than (SN 1929, người Khmer, dượng của cháu N.) “quan hệ” với cháu N. Mặc dù nhìn thấy sự việc nhưng ông Mai không trình báo chính quyền mà về kể lại cho vợ nghe, sau đó vợ ông Mai lại kể cho nhiều người khác nghe.
Tại cơ quan điều tra, ông Mai Than khai trong năm 2000, ông đã ba lần giao cấu với cháu N. Lần thứ nhất và lần thứ hai là vào tháng 9-2000, khi cháu N. đến chòi của ông chơi. Riêng lần thứ ba vào tháng 10-2000, khi cháu N. đến chòi chơi thì ông Mai Than đã đưa cháu qua vườn gần đó để giao cấu (chính lần này bị ông Mai nhìn thấy).
Kết luận giám định tâm thần kết luận cháu N. không có năng lực hành vi. Tháng 2-2001, cơ quan điều tra Công an tỉnh Cần Thơ đã ra quyết định khởi tố vụ án và bảy ngày sau thì khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Mai Than về hành vi hiếp dâm trẻ em.
Tháng 7-2001, cháu N. sinh được một bé gái. Cơ quan điều tra tiến hành giám định ADN của bé gái để so sánh với ông Mai Than và người chủ nhà từng bị hiềm nghi đầu tiên nhưng kết quả là cả hai người đều không phải là cha của cháu bé. Dù vậy, cơ quan điều tra vẫn ra kết luận điều tra đề nghị truy tố ông Mai Than về tội hiếp dâm trẻ em. Tiếp đó, VKS cũng ra cáo trạng truy tố, cho rằng việc người nào là cha của con gái cháu N. thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ, xử lý sau.
Tháng 3-2002, TAND TP Cần Thơ xử sơ thẩm đã phạt ông Mai Than 12 năm tù. Ông Mai Than kháng cáo kêu oan. Năm tháng sau, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Tháng 5-2003, VKS TP Cần Thơ tiếp tục có cáo trạng truy tố ông Mai Than về tội hiếp dâm trẻ em. Tháng 7-2005, TAND TP Cần Thơ đưa vụ án ra xử sơ thẩm lần hai, tuyên bố ông Mai Than không phạm tội và trả tự do ngay tại tòa.
Sau phiên sơ thẩm lần hai, VKS TP Cần Thơ đã kháng nghị, đề nghị tòa phúc thẩm hủy án để điều tra lại. Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao đã bác kháng nghị, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tiếp đó, VKS TP Cần Thơ có văn bản đề nghị VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm nhưng VKSND Tối cao trả lời là không đủ chứng cứ buộc tội đối với bị cáo nên không có căn cứ kháng nghị.
Được xác định vô tội, ông Mai Than đã làm đơn gửi đến các cơ quan tố tụng TP Cần Thơ yêu cầu bồi thường oan nhưng từ đó đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Đổ thừa do… khách quan
Trong quá trình xét xử, tòa phúc thẩm đã chỉ ra nhiều vi phạm về tố tụng làm ảnh hưởng đến chất lượng điều tra, truy tố. Ông Mai Than là người dân tộc, khả năng hiểu biết tiếng Việt hạn chế nhưng suốt quá trình tố tụng các cơ quan tố tụng không mời người phiên dịch. Do vậy, ông Mai Than sẽ không thể hiểu nghĩa của các từ “giao cấu”, “hiếp dâm” như trong các văn bản tố tụng được lập. Cạnh đó, người bị hại - cháu N. là trẻ khiếm thính nhưng cơ quan tố tụng cũng không mời người phiên dịch cho cháu mà để mẹ cháu N. làm người phiên dịch là có thiếu sót.
Công tác kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, kiểm sát việc thực nghiệm điều tra cũng không được kiểm sát viên chú trọng. Mấu chốt của vụ án là việc cơ quan điều tra không xác định được bị can thực hiện hành vi phạm tội vào mùa nước ròng hay nước nổi nhưng kiểm sát viên lại không phát hiện ra để yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ (nếu vào mùa nước nổi thì ông Mai Than và cháu N. không thể “quan hệ” ở vườn như nhân chứng khai được).
Điều đáng nói là dù cả hai cấp tòa lẫn VKSND Tối cao đều xác định không đủ chứng cứ buộc tội nhưng đến nay VKS TP Cần Thơ vẫn không thừa nhận sai sót. Theo VKS TP Cần Thơ, trong quá trình kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, kiểm sát viên đã làm hết trách nhiệm của mình một cách tích cực, khách quan. Việc phối hợp cùng điều tra viên vạch kế hoạch, kiểm sát việc hỏi cung bị can, người bị hại, nhân chứng, thực nghiệm hiện trường để tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Lãnh đạo VKS cũng đã hết trách nhiệm trong chỉ đạo kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án.
Nguyên nhân gây nên vụ án oan này, theo VKS TP Cần Thơ, phần lớn là do… khách quan. Theo đó, do chia tách tỉnh nên lực lượng kiểm sát viên ít, một số còn trẻ, mới được bổ nhiệm, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên nhiều lúc lúng túng trong công tác kiểm sát. Một nguyên nhân khách quan khác được VKS TP Cần Thơ chỉ ra là ông Mai Than và nạn nhân có quan hệ họ hàng nên “ảnh hưởng đến tâm lý sợ xấu hổ” của bà C. (mẹ nạn nhân). Trong khi đó, bà C. lại là người phiên dịch cho cháu N. nên tự do hướng dẫn cho cháu N. khai theo ý mình mà những người tham gia phiên tòa không thể hiểu biết được (?!).
VKS TP Cần Thơ phải bồi thường oan Việc VKS TP Cần Thơ cho rằng mẹ của nạn nhân sợ xấu hổ vì ông Mai Than là họ hàng nên đã hướng dẫn nạn nhân khai theo ý mình hoàn toàn là sự suy diễn, không có căn cứ. Biến sự suy diễn ấy thành nguyên nhân khách quan để lý giải việc truy tố oan là hoàn toàn không thuyết phục. Bản án xác định ông Mai Than bị oan đã có hiệu lực pháp luật. VKSND Tối cao cũng đã từ chối kháng nghị giám đốc thẩm. Theo quy định hiện hành, trách nhiệm bồi thường oan thuộc về cơ quan làm oan sau cùng là VKS TP Cần Thơ. Ông Mai Than có quyền yêu cầu VKS TP Cần Thơ bồi thường oan và xin lỗi công khai. Nếu VKS TP Cần Thơ không chịu thực hiện thì ông có quyền kiện ra tòa. Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM |
HỒNG TÚ