Sự thật về vụ đốt chết hai mạng người ở quận Gò Vấp đến nay vẫn chưa hề được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, do cán bộ tố tụng non kém nghiệp vụ mà TAND TP.HCM đã phải bồi thường oan cho một người sau 12 năm giam giữ.
Bà Phạm Thị Út là chủ một căn nhà ở phường 17, quận Gò Vấp (TP.HCM). Tháng 8-1992, bà cho ông Trương Ngọc Minh thuê một phòng để ở với giá 200.000 đồng/tháng với điều kiện là ông Minh phải thế chấp hai chỉ vàng.
Lửa từ phòng kế bên?
Trong quá trình sinh sống, vì phát sinh mâu thuẫn trong sinh hoạt nên tháng 8-1993, bà Út thông báo không cho ông Minh thuê trọ nữa, yêu cầu 20 ngày sau ông Minh phải trả phòng. Hai bên nhất trí thời hạn trả phòng, bà Út hẹn là trước khi ông Minh trả phòng bốn ngày thì bà sẽ trả vàng lại.
Tối 12-9-1993, ông Minh sang đòi vàng thì bà Út khất nợ hẹn trưa hôm sau sẽ trả. Khoảng 3 giờ sáng hôm sau, phòng trọ của gia đình ông Minh bỗng nhiên bốc cháy dữ dội khiến vợ chồng ông bị bỏng nặng. Dù đã được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng cả hai người đều tử vong sau đó. Vụ cháy còn làm con ông Minh bị bỏng nhẹ và thiêu rụi một số tài sản.
Theo kết luận giám định pháp y, ông Minh tử vong do bị phù phổi, giảm phế nang cấp do suy hô hấp, trụy tim mạch do cháy bỏng nặng. Bà Nga bị tử vong do suy hô hấp cấp, phù phổi, suy thận cấp do cháy bỏng nặng.
Người nhà của nạn nhân than khóc (sau khi bà Út được tuyên trắng án) vì chưa thể tìm được hung thủ thực sự. Ảnh: PĐ
Khám nghiệm phòng bà Út, lực lượng chức năng phát hiện một can nhựa loại 2 lít bên trong còn 1 lít xăng, một can nhựa loại 4 lít bên trong có 2/3 là dầu hôi. Nhiều đồ vật trong phòng được tháo, dọn ra khỏi phòng trước khi vụ cháy xảy ra. Cuối khu vực vườn đất có một gian nhà mái lá. Tại đây, cơ quan điều tra phát hiện nhiều quần áo được bỏ vào hai bao nylon cùng một số đồ dùng của gia đình bà Út. Khám nghiệm phòng ông Minh, lực lượng chức năng phát hiện một lon thiếc dung tích 1 lít bị cháy ám khói bên trong. Biên bản của Đội PCCC quận Gò Vấp xác định “thấy mùi dầu bốc lên nhiều”.
Cơ quan điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam bà Út. Quá trình điều tra, bà Út không nhận tội nhưng cơ quan điều tra vẫn ra kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKS cùng cấp đề nghị truy tố bà Út hai tội giết người và hủy hoại tài sản.
Tháng 9-1999, TAND TP.HCM đã phạt bà Út 20 năm tù về tội giết người, hai năm tù về tội hủy hoại tài sản của công dân, tổng hợp hình phạt chung là 20 năm tù. Bà Út kháng cáo kêu oan, còn VKS TP.HCM kháng nghị theo hướng tăng nặng hình phạt.
Tại phiên phúc thẩm năm 2000 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, đại diện VKS đã rút kháng nghị tăng hình phạt đối với bà Út. Tòa chấp nhận việc rút kháng nghị nhưng bác kháng cáo của bà Út, giữ nguyên mức hình phạt của tòa sơ thẩm.
Sau đó, người nhà bị cáo Út đã gửi đơn đến nhiều cơ quan đề nghị minh oan cho bà Út. Tháng 12-2011, viện trưởng VKSND Tối cao đã có quyết định kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị TAND Tối cao hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.
TAND Tối cao đã hủy cả hai bản án, trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại. Tháng 9-2004, TAND TP.HCM đã xử sơ thẩm lần hai, tiếp tục phạt tù bà Út như lần trước. Bà Út lại kháng cáo kêu oan. Gần một năm sau, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo, tuyên bố bà Út không phạm tội, hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án và trả tự do cho bà Út ngay tại phiên tòa. Sau 12 năm bị giam, bà Út đã được TAND TP.HCM bồi thường oan hơn 300 triệu đồng.
Bỏ lọt nhiều chi tiết quan trọng
Qua vụ án oan này, VKSND TP.HCM nhìn nhận trong lời khai của bà Út có nhiều nội dung mâu thuẫn nhau và mâu thuẫn với lời khai của các nhân chứng: Lời khai về địa điểm mua xăng, mục đích mua xăng, mâu thuẫn vợ chồng để lý giải cho việc dọn quần áo; lý giải việc toàn bộ đồ đạc được chuyển ra xa hiện trường đã gói kỹ lưỡng: quần áo, moteur điện, hai bộ máy may được tháo khỏi bàn máy, ly chén…; lời khai không nhất quán về nguồn gốc hai chỉ vàng.
Đây là vụ án thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nhưng chỉ có kiểm sát viên cấp quận tham gia kiểm sát, không có lãnh đạo VKS cùng cấp tham gia. VKS cấp trên không được biết để cùng phối hợp. Kiểm sát viên cấp quận chưa ý thức hết tầm quan trọng của vụ án, chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm nên đã không yêu cầu cơ quan điều tra thu thập các dấu vết để lại tại hiện trường: dấu vết người leo lên tủ phòng bà Út; dấu vết trên tường lửng ngăn cách hai phòng; dấu vết trên tường rào căn nhà để loại trừ khả năng người bên ngoài đột nhập…
Trong bản chụp hiện trường có chiếc thang tre dựa vào vách nhưng biên bản khám nghiệm hiện trường này lại không ghi nhận. Điều này làm ảnh hưởng đến việc xác định cây thang tre này có phải là công cụ dùng để gây án hay không. Một tình tiết nữa cũng chưa được cơ quan tố tụng làm rõ nguyên nhân gây cháy là do chất gì, xăng hay dầu hôi hay hỗn hợp cả hai chất.
Ngoài ra, việc xem xét hiện trường trước khi mở phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất (năm 1999) không do kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa thực hiện cùng với HĐXX mà do một kiểm sát viên khác. Việc xem xét này cũng không được lập thành biên bản lưu hồ sơ vụ án.
Một điều đáng nói là tuy vụ án còn nhiều mâu thuẫn nhưng VKSND Tối cao vẫn có văn bản hướng dẫn rằng hồ sơ đã đủ cơ sở buộc tội bà Út phạm tội giết người và cố ý hủy hoại tài sản của công dân. Chính văn bản này đã khiến kiểm sát viên chủ quan, bỏ qua các tình tiết còn mâu thuẫn...
Non tay nên chứng cứ buộc tội không đủ Tại hội thảo khoa học về một số vụ án tuyên bố bị cáo không phạm tội hoặc vụ án bị hủy sau đó đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội do VKSND Tối cao tổ chức gần đây, đại diện lãnh đạo VKSND TP.HCM đã thẳng thắn thừa nhận vụ án của bà Phạm Thị Út là vụ án có nhiều sai sót, do các cán bộ tố tụng non kém nghiệp vụ mà dẫn đến vụ án oan này. “Qua nghiên cứu toàn diện vụ án cũng như trao đổi với những người trực tiếp tham gia vụ án ngay từ ban đầu, tôi cũng như nhiều anh em làm án tin rằng vì người mình non tay quá nên chứng cứ buộc tội không đủ” - vị lãnh đạo này chua xót nói. |
HỒNG TÚ