Ăn bánh mì bị mốc thì ảnh hưởng gì đến sức khỏe?

Vừa qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt một cửa hàng bán bánh mì mốc meo, ôi thiu số tiền 27,5 triệu đồng. Trước đó ngày 6-7, một tài khoản mạng xã hội có tên L.T.K.D có đăng tải thông tin một chiếc bánh mì có phần nhân xúc xích bị mốc, bốc mùi thiu. Chiếc bánh mì này được mua tại một cửa hàng trên đường Hoàng Văn Thái (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Ổ bánh mì nhân xúc xích bị mốc xanh được bán tại một cửa hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ảnh: L.T.K.D.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng thông tin, cơ sở này sản xuất và bày bán bánh mì ổ đã không còn bánh mì nhân xúc xích như phản ánh của người dân. Tuy nhiên, qua kiểm tra, cửa hàng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nơi này cũng vi phạm các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, trang thiết bị, dụng cụ và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc sử dụng thực phẩm bị nấm mốc luôn đi kèm những mối nguy cho sức khỏe. Người tiêu dùng khi mua thực phẩm bị mốc hoặc bảo quản thực phẩm kém, thực phẩm sẽ dễ bị các loại nấm xanh, nấm có mũ… và sản sinh ra chất aflatoxin - đây là chất độc gây hại khắp cơ thể nhưng nhiều nhất là gan.

Từng chia sẻ trên PLO, chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành cho biết ở một số loại bánh như bánh mì ổ, sandwich mới ra lò, nấm mốc và vi khuẩn gây bệnh sẽ chết nhưng khi tiếp xúc với môi trường ẩm, nấm mốc sẽ nảy sinh.

Các độc tố nấm này khởi sinh từ bề mặt bánh rồi lan dần vào bên trong. Ông cũng cho biết sự lây lan này rất khó để biết điểm dừng bởi không phải chỗ nào bánh đổi mà thì chỗ đó mới có mốc, đồng thời các độc tố nấm này thường rất bền với nhiệt.

Cũng theo chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành, nếu nhìn bằng mắt thường, chúng ta rất khó để nhận biết nấm mốc này có độc hay không. Bởi trên thực tế có rất nhiều loại nấm mốc, có loại sinh độc tố, có loại lại không, có loại gây ngộ độc nặng, có loại gây ngộ độc nhẹ. Tuy nhiên nhìn chung nấm mốc thường gây ngộ độc nặng, làm hại gan, gây độc thần kinh, xuất huyết, thậm chí gây ung thư.

Do đó, theo ông: "Đối với bánh mì, nếu bị nhiễm mốc ít, chỉ mới chớm ở khu vực nhỏ, có thể cắt bỏ cách xa chỗ nhiễm khoảng vài phân. Nhưng đối với bánh có nhân, có bơ, pho mát… dù nhiễm ít hay nhiều, tốt nhất nên bỏ luôn".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm