Bạn đọc Võ Thị Cẩm Nhung, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM hỏi: Gia đình tôi muốn mua xe bánh mì để bán. Tuy nhiên, tôi không biết là khi bán bánh mì tại nhà thì có cần xin giấy phép gì không? Nếu có thì xin giấy phép ra sao? Có cần lưu mẫu thực phẩm hay không?
Người kinh doanh bánh mì phải lưu mẫu và chịu trách nhiệm đối với sản phẩm do mình sản xuất ra theo quy định của pháp luật. Ảnh: CN
Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, tại Nghị định 39/2007 quy định cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh.
Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hằng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại như:
- Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong.
- Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định.
- Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định.
Mặc dù việc cá nhân kinh doanh bánh mì tại nhà có thể không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Nghị định 15/2018 nhưng người kinh doanh vẫn phải lưu mẫu và chịu trách nhiệm đối với sản phẩm do mình sản xuất ra theo quy định của pháp luật.