Cá là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, mới đây trong một cuộc trao đổi nhanh với PLO về chủ đề cá, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội lưu ý, để đảm bảo an toàn thực phẩm, khi sơ chế ngoài cạo sạch vảy, bỏ mang và ruột cá thì việc vệ sinh lớp nhầy và loại bỏ màng đen trong bụng cá cũng cần được chú trọng.
Lý giải vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, lớp màng nhầy bao phủ thân cá không những không có giá trị dinh dưỡng mà còn là nơi chứa lượng lớn vi khuẩn và chất bẩn.
Mặc dù việc ăn cá còn chứa lớp nhầy này không gây ra ngộ độc thực phẩm, nhưng có thể khiến món ăn giảm chất lượng vì mùi tanh của cá. Trường hợp cá chưa được nấu chín, rất có thể khiến món ăn không được an toàn.
Tương tự, lớp màng đen trong bụng cá cũng là nơi chứa vi khuẩn, bụi bẩn tích tụ và cũng dễ nhiễm độc tố và mùi tanh khó chịu.
“Tốt nhất chúng ta vẫn nên rửa thật sạch cá trước khi chế biến”- PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Đối với mật cá, người dân cũng nên loại bỏ khi làm, tránh làm vỡ mật cá dính vào phần thịt cá. Mật cá cũng có thể gây nguy hiểm cho người ăn, đơn cử mật cá mè, cá trôi, cá trắm hay cá tầm đều có chứa một loại độc tố có tên 5α Cyprinol.
Độc tố này bền vững với nhiệt, giữ độc tính khi nấu chín nên kể cả khi nấu chín ăn vào vẫn sẽ gây ngộ độc. Chất độc này gây tổn thương, gây viêm, loét đường tiêu hóa, gây đau bụng, nôn và tiêu chảy…
Để đảm bảo sức khỏe và giá trị dinh dưỡng cho món ăn, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến nghị, người nội trợ nên loại bỏ những bộ phận của cá nêu trên trước khi nấu nướng.