Theo báo cáo của UBND quận 1 về những khó khăn trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) thì hiện có một số người dân kinh doanh thức ăn đường phố không hợp tác khi có đoàn kiểm tra. Vẫn còn tình trạng một số người kinh doanh vẫn chưa tự giác, ý thức chấp hành các quy định về ATTP như khám sức khỏe, thực hiện làm sổ theo dõi nguồn gốc thực phẩm, sổ lưu mẫu…
Việc kiểm tra, xử lý hàng rong còn hạn chế vì địa điểm kinh doanh không cố định. Ảnh: CN
Bên cạnh đó, tại các tuyến đường không thức ăn đường phố, một số hộ dân còn đối phó với đoàn kiểm tra, khi thấy đoàn kiểm tra tới thì tránh né, di chuyển địa điểm kinh doanh. Khi đoàn kiểm tra rời đi, các hộ này vẫn tiếp tục kinh doanh tại các địa điểm cũ. Việc kiểm tra, xử lý hàng rong còn hạn chế vì chưa có biện pháp chế tài, địa điểm kinh doanh không ổn định.
Ngoài ra, theo báo cáo tổng kết ba năm thí điểm thành lập Ban quản lý ATTP TP.HCM thì ý thức của người dân kinh doanh tại chợ và người tiêu dùng chưa cao. Tình trạng chợ tự phát, buôn bán hàng rong, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và nhiều hệ lụy về thuế phí, nguồn gốc sản phẩm và nguy cơ mất ATTP.
Được biết hiện nay TP có khoảng 18.964 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố với 24.130 người tham gia phục vụ kinh doanh. Để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với loại hình thức ăn đường phố, UBND TP đã triển khai nhiều kế hoạch nhằm cải thiện điều kiện, đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố.