Ăn thuần chay có khả năng bị teo cơ?

(PLO)- Ăn thô thuần chay có thể giúp bạn giảm cân và giữ lại nhiều dinh dưỡng trong rau củ quả nhưng chúng cũng có thể khiến bạn bị thiếu hụt dinh dưỡng và teo cơ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gần đây thông tin về một người nổi tiếng trên mạng xã hội về áp dụng chế độ ăn thô thuần chay, đã tử vong, bị nghi do suy nhược cơ thể, và nhiễm trùng.

Mặc dù tới nay nguyên nhân thực sự vẫn chưa được công bố chính thức, nhưng cũng khiến nhiều người tranh luận về lợi - hại xoay quanh chế độ ăn này.

Để hiểu rõ hơn về ăn thô thuần chay, trao đổi vớiPLO, bác sĩ (BS) Vi Thị Tươi, Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng cho biết, đây là phương pháp ăn kết hợp các nguyên tắc của chủ nghĩa thuần chay và chủ nghĩa thực phẩm thô.

Cụ thể, với chế độ ăn này sẽ loại bỏ thức ăn từ động vật (kể cả trứng, sữa, mật ong...) và thực phẩm nên được ăn sống hoàn toàn hoặc đun nóng ở nhiệt độ dưới 104 - 118 ° F (40 - 48 ° C). Thay vì thịt, các sản phẩm từ động vật và thực phẩm chế biến sẵn, chế độ ăn này bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nảy mầm, các loại đậu đã nảy mầm, quả hạch thô và hạt.

Ăn thô thuần chay: Có lợi hay có hại?

Theo BS Vi Thị Tươi, trên thực tế, chế độ ăn này có thể giúp người ăn giảm cân do giảm năng lượng nạp vào cơ thể.

“Theo lý thuyết thì ăn thuần chay thô sẽ giúp chúng ta giữ lại một số chất dinh dưỡng dễ bị mất đi trong quá trình chế biến kĩ thức ăn như vitamin nhóm B và C.

Cùng với đó, khi ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp người ăn kiểm soát đường huyết, giảm nguy cơ đái tháo đường tuýp 2, chưa kể một số loại hạt nhiều dầu chứa acid béo không bão hòa còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch”- BS Tươi dẫn giải.

Tuy vậy theo BS Tươi, chế độ ăn thô thuần chay chắc chắn sẽ không thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng như đạm, các acid amin thiết yếu, vitamin B12, sắt, kẽm...

Trong khi đó, nếu cơ thể thiếu đạm và các acid amin sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chức năng sống trong cơ thể, teo cơ, suy giảm miễn dịch... Còn khi thiếu kẽm sẽ khiến cơ thể mệt mỏi , chán ăn, tiêu chảy kéo dài, dễ nhiễm trùng và giảm nhận thức.

Chưa kể, với chế độ ăn thuần chay, chúng ta sẽ khó hấp thụ sắt hơn khi ăn động vật. Về lâu dài, khi thiếu sắt sẽ gây ra thiếu máu, giảm các hoạt động thể chất và tinh thần, giảm miễn dịch cũng như chậm lành vết thương. Tương tự, vitamin B12 là chất được cung cấp chủ yếu từ thức ăn động vật, nếu chúng ta chỉ duy trì chế độ ăn thô thuần chay, thì có thể đối diện với nguy cơ thiếu vitamin B12. Từ đó gây ra các hiện tượng mệt mỏi, thiếu máu hoặc rối loạn hoạt động thần kinh khiến chúng ta trở nên cáu gắt thậm chí là trầm cảm.

Ngoài ra, BS Tươi cũng cho rằng nếu như chế độ ăn thô thuần chay không bổ sung sữa và các chế phẩm từ sữa, thì cơ thể có thể thiếu canxi, tăng nguy cơ loãng xương.

“Mặc dù chế độ ăn thô thuần chay có thể giảm cân nhưng nếu áp dụng lâu dài sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu chất, nặng hơn là teo cơ, suy dinh dưỡng”, BS Tươi khẳng định.

Chế độ ăn thô thuần chay có thể giúp bạn giữ lại nhiều dinh dưỡng từ thức ăn nhưng tổng quan các chất cần có cho cơ thể thì chế độ ăn này lại không đáp ứng đủ. ẢNH: HẠ QUYÊN

Chế độ ăn thô thuần chay có thể giúp bạn giữ lại nhiều dinh dưỡng từ thức ăn nhưng tổng quan các chất cần có cho cơ thể thì chế độ ăn này lại không đáp ứng đủ. ẢNH: HẠ QUYÊN

Cẩn trọng khi ăn dụng chế độ ăn thô thuần chay kéo dài

Với những phân tích trên, theo BS Tươi, chế độ ăn thô thuần chay chắc chắn không nên được khuyến khích để tạo thành một trào lưu, hay một lối sống lành mạnh.

Nhất là những đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, trẻ nhỏ, người lớn tuổi hay bệnh nhân có bệnh lý nền thì càng không được khuyến khích áp dụng chế độ ăn nghiêm ngặt này.

Cũng theo vị bác sĩ này, nhiều người áp dụng chế độ ăn vì lo sợ khi nấu chín thực phẩm có thể làm giảm hàm lượng dinh dưỡng. Đơn cử như với vitamin C, dù chúng dễ mất đi khi nấu chín, nhưng thực chất chúng ta có thể nhận đủ vitamin C nếu ăn đa dạng 250 g trái cây và 300 g rau mỗi ngày.

Chưa kể, không phải thực phẩm nào cũng có thể ăn sống. Nhiều loại rau rửa không sạch, không nấu chín có thể có các vi khuẩn, kí sinh trùng (giun, sán...) hoặc độc tố gây ngộ độc, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, thiếu máu, tiêu chảy kéo dài.

“Chính vì thế, người tiêu dùng nên cân nhắc và không nên áp dụng chế độ ăn này để giảm cân hay mong muốn vì lợi ích sức khỏe nào đó. Trong khi chúng ta có nhiều các ăn uống và luyện tập khoa học hơn để giảm cân lành mạnh và phòng ngừa bệnh tật”- BS Tươi khuyến nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm