Anh bác cáo buộc giúp ông Obama nghe lén ông Trump

Tình báo Anh không nghe lén ông Donald Trump trước và sau kỳ tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, Reuters dẫn lời một quan chức an ninh Anh ngày 14-3, bác cáo buộc từ cựu thẩm phán Andrew Napolitano của bang New Jersey trên Fox News ngày trước đó.

Ông Andrew Napolitano - cựu thẩm phán bang New Jersey và nhà bình luận chính trị của Fox News - đưa ra cáo buộc này trong chương trình Fox và Những người bạn phát sóng ngày 13-3.

Ông Napolitano nói rằng thay vì chỉ đạo các cơ quan Mỹ do thám ông Trump, Tổng thống Obama đã hợp tác với Cơ quan Thông tin Chính phủ Anh (GCHQ có nhiệm vụ giám sát liên lạc viễn thông nước ngoài, chức năng tương đương Cơ quan An ninh Quốc gia – NSA của Mỹ) để thu thập các cuộc đối thoại của ông Trump.

“Ba nguồn tin tình báo đã báo với Fox News rằng Tổng thống Obama không dùng đến NSA, CIA, FBI, hay Bộ Tư pháp, mà dùng GCHQ. Đó là tình báo Anh. Họ có thể vào dữ liệu của NSA mọi lúc. Vì thế đơn giản chỉ cần 2 người đến GCHQ và nói: Tổng thống Obama cần các cuộc đàm thoại liên quan đến ứng viên Trump, liên quan đến tổng thống đắc cử Trump - ông Obama có thể có được nó mà không cần để lại dấu vết nào” - theo ông Napolitano.

Tuy nhiên, theo quan chức an ninh Anh, cáo buộc này “hoàn toàn sai sự thực và cực kỳ vô lý”. Reuters không nêu tên quan chức an ninh này, chỉ nói người này rất quen thuộc với các chính sách cũng như các chiến dịch an ninh của chính phủ Anh. GCHQ không bình luận.

Ông Donald Trump (trái) đến Nhà Trắng thăm Tổng thống Barack Obama (phải) một ngày sau khi đắc cử. Ảnh: BGR.COM

GCHQ có quan hệ chặt với NSA, cũng như với các cơ quan tương đương của Úc, Canada, New Zealand. 5 cơ quan này nằm trong một hiệp hội gọi là “5 con mắt”.

Quan chức an ninh Anh cho biết theo luật Anh, GCHQ “chỉ có thể thu thập thông tin tình báo vì các mục đích an ninh quốc gia” và cuộc bầu cử Mỹ “rõ ràng không thuộc tiêu chuẩn này”. Ngoài ra theo ông, GCHQ “chỉ có thể thực hiện chiến dịch tình báo nếu chiến dịch này là hợp pháp ở cả Mỹ và Anh”.

Trong khi đó theo luật Mỹ, tổng thống không có quyền trực tiếp chỉ đạo nghe lén. Thay vào đó, chính phủ liên bang phải thông qua ngành tư pháp và có được giấy phép của tòa án.

Trên Twitter đầu tháng này, Tổng thống Trump cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama chỉ đạo FBI nghe lén ông trong giai đoạn cuối của chiến dịch tranh cử tổng thống 2016. Tuy nhiên, đến giờ ông Trump vẫn chưa đưa ra chứng cứ nào, trong khi đại diện ông Obama bác bỏ cáo buộc.

Bộ Tư pháp Mỹ vừa xin thêm thời gian để tìm chứng cứ. Thời hạn cuối là ngày 13-3 nhưng giờ được kéo dài đến ngày 20-3. Một số quan chức cấp cao chính phủ Obama như Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper cũng bác bỏ chuyện nghe lén ông Trump. Phần lớn truyền thông Mỹ đều không tin cáo buộc này, một số cơ quan báo chí đã vào cuộc điều tra.

Ngoài cáo buộc này từ ông Trump, ông Obama cũng đang hứng cáo buộc từ một số cơ quan báo chí ủng hộ ông Trump rằng ông Obama đang thành lập một “chính phủ trong bóng tối” nhằm hủy hoại chính phủ ông Trump để bảo vệ các di sản của nhiệm kỳ mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới