Armenia quay sang mua vũ khí của Ấn Độ, Pháp, nhằm giảm phụ thuộc Nga

(PLO)-  Armenia ký thỏa thuận mua vũ khí từ Pháp và bắt đầu đàm phán mua vũ khí từ Ấn Độ, động thái có thể làm thay đổi đáng kể sự cân bằng mong manh trong quan hệ chính trị giữa Armenia và Nga.

Quan hệ giữa Armenia và Nga căng thẳng trong những năm gần đây, và Armenia tìm cách giảm sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga và đa dạng hóa nguồn cung vũ khí.

Armenia hết kiên nhẫn với Nga

Theo trang Bulgarian Military, sự kiên nhẫn của Armenia với Nga dường như đang giảm dần. Năm 2019, Armenia đã đặt mua 4 tiêm kích Su-30SM từ Nga, nhưng các lô hàng này thiếu các loại đạn dược cần thiết, hạn chế nghiêm trọng khả năng hoạt động của chúng.

Cho đến nay, Armenia vẫn chưa nhận được thêm máy bay do sự chậm trễ từ phía Nga, điều này vẫn chưa được công khai rõ ràng. Các báo cáo cho rằng 5 chiếc Su-30SM nữa sẽ được giao cho Armenia, nhưng có dấu hiệu cho thấy chúng đang được cất kho và chưa được giao hoặc được chuyển hướng để hỗ trợ lực lượng Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Tiêm kích Su-30SM của Armenia. Armenia quay sang mua vũ khí của Ấn Độ, Pháp, nhằm giảm phụ thuộc Nga. Ảnh: TopWar

Thêm vào đó, Armenia đã hy vọng vào các hệ thống tên lửa và hỗ trợ hậu cần bổ sung, nhưng những nhu cầu này đã không được đáp ứng. Do Nga không đáp ứng đủ cũng như nhu cầu cấp thiết về an ninh, Armenia đã buộc phải tìm hiểu các lựa chọn vũ khí thay thế, bao gồm khả năng mua vũ khí khí tài từ Ấn Độ, như máy bay chiến đấu và đạn dược.

Căng thẳng dâng cao giữa Armenia và Nga phần lớn xuất phát từ việc Armenia thiếu nguồn lực phòng thủ đầy đủ để chống lại các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng trong khu vực. Mặc dù Armenia đã tuyên bố ý tăng cường năng lực phòng không, nhưng việc nước này phụ thuộc vào nguồn cung cấp không đầy đủ của Nga và nhu cầu về các nguồn vũ khí thay thế khiến quan hệ song phương rạn nứt.

Armenia quay sang mua vũ khí từ Ấn Độ, nhắm tới tiêm kích Su-30MKI

Trang Bulgarian Military dẫn các nguồn tin Ấn Độ rằng Armenia đã bắt đầu đàm phán với công ty Hindustan Aeronautics Limited (HAL) của Ấn Độ về việc mua các tiêm kích Su-30MKI. Động thái mua vũ khí này nằm một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Armenia về tăng cường khả năng không quân nước này.

Việc nước này có thể mua tiêm kích Su-30MKI tiên tiến đại diện cho một lựa chọn thứ hai trong việc nâng cấp khí tài quân sự nước này, với lựa chọn thứ nhất là hiện đại hóa phi đội Su-30SM hiện có thành biến thể Super Flanker thông qua HAL.

Kế hoạch của Armenia nhằm nâng cấp đội bay hiện tại đã được đưa ra thảo luận trong một khoảng thời gian. Đầu năm 2023, Bulgarian Military cho hay Không quân Armenia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tích hợp các hệ thống vũ khí của Ấn Độ, đặc biệt là tên lửa không đối đất BrahMos do Nga và Ấn Độ hợp tác phát triển, và tên lửa không đối không Astra.

Đại tá Ovanes Vardanyan – tư lệnh Không quân Armenia - xác nhận rằng các cuộc thảo luận mua vũ khí đang diễn ra với HAL liên quan những nâng cấp này, nhấn mạnh rằng HAL có kinh nghiệm sâu rộng trong hiện đại hóa các máy bay như vậy.

"Chúng tôi đang cân nhắc khả năng nâng cấp phi đội Su-30 của mình với sự hỗ trợ của HAL, vì họ có nhiều chuyên môn trong lĩnh vực này" - ông Vardanyan nói về việc Armenia đàm phán mua vũ khí từ Ấn Độ.

Armenia có khả năng mua 8 - 12 chiếc Su-30MKI từ Ấn Độ. Armenia quay sang mua vũ khí của Ấn Độ, Pháp, nhằm giảm phụ thuộc Nga. Ảnh: X

Ông Vardanyan nhấn mạnh tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực điện tử hàng không, chiến tranh điện tử và vũ khí mới trong các cuộc tập trận quân sự ở Ấn Độ.

Một quan chức Ấn Độ giấu tên cũng xác nhận sự quan tâm của Armenia đối với dự án mua vũ khí này, nhưng lưu ý rằng các cuộc đàm phán vẫn đang trong giai đoạn đầu. Người này chỉ ra rằng Su-30SM của Armenia khác với phiên bản Su-30MKI của Ấn Độ, cho rằng sự khác biệt này cần sự chú ý và sửa đổi đặc biệt trong quá trình nâng cấp.

Hàm ý từ việc Armenia có động thái tìm mua vũ khí ngoài Nga

Mặt khác, khả năng Armenia mua 8 - 12 tiêm kích Su-30MKI có thể làm thay đổi đáng kể sự cân bằng mong manh trong quan hệ chính trị giữa Armenia và Nga. Tiêm kích Su-30MKI - phiên bản cải tiến của Ấn Độ từ mẫu Su-30SM của Nga - được HAL phát triển và sản xuất theo giấy phép của Nga. Việc chuyển sang phiên bản máy bay này có thể được hiểu là sự rút khỏi ảnh hưởng của Nga trong công nghệ quốc phòng và quan hệ đối tác chiến lược.

Theo truyền thống, Nga coi Nam Kavkaz là khu vực có lợi ích chiến lược, cung cấp cho Armenia thiết bị quân sự theo các điều khoản ưu đãi. Nếu Armenia chuyển hướng sang Ấn Độ để mua sắm quân sự, Nga có thể coi đây là dấu hiệu cho thấy Armenia có ý định đa dạng hóa quan hệ đối tác quốc phòng và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của Nga. Sự thay đổi như vậy có thể dẫn đến căng thẳng gia tăng hoặc thậm chí là các điều kiện kém thuận lợi hơn cho các đợt giao vũ khí trong tương lai của Nga.

Ông Alexey Leonkov - phó Tổng biên tập Tạp chí Arsenal of the Fatherland (Nga) - đã bày tỏ sự hoài nghi về hiệu quả của việc Armenia mua vũ khí và theo đuổi quá trình hiện đại hóa như vậy. Ông khẳng định rằng công nghệ của Nga dành cho Su-30SM vẫn giữ được hiệu suất vượt trội, đặc biệt là trong các tình huống chiến đấu.

Ông Leonkov lưu ý rằng mặc dù quyết định của Armenia mua vũ khí và hiện đại hóa quân đội có thể xuất phát từ các quan hệ đối tác mới và sự hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa Yerevan và New Delhi gia tăng nhưng cũng có thể làm suy yếu mối quan hệ quân sự truyền thống của Armenia với Nga.

Các nhà phân tích quân sự như Alexander Gushchin nói thêm rằng nếu Armenia chọn tăng cường quan hệ với Ấn Độ thay vì Nga, điều này sẽ đại diện cho một "tín hiệu chiến lược" về sự thay đổi trong cán cân quyền lực khu vực. Chuyên gia Gushchin cho rằng Nga có thể coi quyết định này là một động thái mạo hiểm, đòi hỏi phải đánh giá lại các cam kết của Nga với Armenia với tư cách là đối tác trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

Đối với Armenia, việc theo đuổi lựa chọn này có thể là cơ hội chiến lược để hợp tác với Ấn Độ - quốc gia cũng mong muốn thiết lập các mối quan hệ khu vực ổn định để cân bằng ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc ở khu vực Âu-Á.

Việc mua 8-12 tiêm kích Su-30MKI không chỉ là một thành tựu đáng kể đối với Ấn Độ và ngành công nghiệp quốc phòng của nước này mà còn củng cố vị thế của Ấn Độ như một nhà sản xuất và cung cấp thiết bị quân sự quốc tế quan trọng. Những chiến đấu cơ do HAL sản xuất này sẽ mang lại lợi ích kinh tế, đồng thời củng cố vị thế của Ấn Độ trên thị trường hàng không chiến đấu toàn cầu.

Ngoài những lợi thế về kinh tế, một thương vụ như vậy sẽ có tầm quan trọng chiến lược đối với Ấn Độ. Bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự tại Armenia, Ấn Độ có thể mở rộng ảnh hưởng của nước này tại khu vực Kavkaz.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã tích cực tăng cường quan hệ quốc phòng với Armenia, cung cấp hệ thống pháo binh và tên lửa, và một thỏa thuận về máy bay chiến đấu. Điều này cũng sẽ thiết lập Ấn Độ như một nhà cung cấp quân sự thay thế tại các khu vực theo truyền thống chịu ảnh hưởng của Nga.

Armenia đa dạng hóa chuỗi cung ứng quân sự

Ấn Độ không phải là lựa chọn duy nhất cho Armenia khi nước này tăng cường mua vũ khí, tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga. Trong 24 tháng qua, Armenia đã có những bước tiến đáng kể hướng tới việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng quân sự bằng cách chuyển sang các nhà sản xuất phương Tây.

Vào tháng 10-2023, Armenia đã ký một thỏa thuận vũ khí mang tính bước ngoặt với Pháp, đánh dấu lần đầu tiên nước này tham gia mua sắm thiết bị quân sự phương Tây.

Tiêm kích Su-30MKI của Ấn Độ. Ảnh: X

Theo thỏa thuận này, Armenia sẽ nhận được các hệ thống radar và khoảng 50 xe bọc thép chở quân VAB MK3, cùng với các hệ thống tên lửa tầm ngắn Mistral dùng cho mục đích tự vệ. Pháp cũng sẽ cung cấp đào tạo cho quân nhân Armenia về các thiết bị mới và hỗ trợ các cải cách đang diễn ra trong lực lượng vũ trang Armenia.

Những sáng kiến ​​này là một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm giảm sự phụ thuộc của Armenia vào hỗ trợ quân sự của Nga trong khi nâng cao khả năng phòng thủ của nước này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Azerbaijan.

Bên cạnh thỏa thuận với Pháp, Armenia có kế hoạch mua hệ thống chống máy bay không người lái (UAV) từ Ấn Độ, ước tính có giá khoảng 41 triệu USD.

Cũng có khả năng Armenia có các thỏa thuận trong tương lai với Liên minh châu Âu (EU) để cung cấp hỗ trợ quân sự phi sát thương, cho thấy thêm sự thay đổi của Armenia trong quan hệ quân sự với các đối tác phương Tây. Sự đa dạng hóa nguồn vũ khí này rất quan trọng khi Armenia tìm cách tăng cường an ninh trong bối cảnh bất ổn khu vực đang diễn ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới