Đằng sau việc đồng minh Armenia của Nga mua vũ khí của Pháp, Ấn Độ

(PLO)- Việc Armenia đặt mua vũ khí từ Pháp và Ấn Độ cho thấy nước này đang thực hiện các bước đi thực tế để giảm phụ thuộc vào khí tài quân sự Nga – một đồng minh lâu năm của Armenia.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo trang Business Insider, trong những tuần gần đây, Armenia đã đặt mua hệ thống phòng không và radar từ Pháp. Cũng có thông tin nước này đã đặt mua hệ thống chống máy bay không người lái (UAV) từ Ấn Độ.

Những đơn đặt hàng này xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng dâng cao giữa Armenia và Azerbaijan. Giữa hai nước đã xảy ra một số xung đột, trong đó có cuộc đụng độ ngắn hồi tháng 9 kết thúc với việc Azerbaijan giành quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh và khiến 120.000 người Armenia ly hương.

Armenia muốn giảm sự phụ thuộc vào Nga

Những thương vụ vũ khí trên đáng chú ý không chỉ vì thời điểm thực hiện mà còn vì chúng cho thấy Armenia đang thực hiện các bước đi thực tế để giảm sự phụ thuộc vào khí tài quân sự Nga – một đồng minh lâu năm của nước này.

Thấy gì từ việc đồng minh Armenia của Nga mua vũ khí của Pháp, Ấn Độ?
Từ trái qua: Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh: Mikhail Klimentyev/Russian Presidential Press and Information Office/TASS

Cuộc xung đột kéo dài 6 tuần giữa Armenia và Azerbaijan năm 2020 đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới với việc Azerbaijan sử dụng UAV.

Tại một cuộc họp báo thông báo các thỏa thuận vũ khí với Armenia hồi tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp – ông Sebastien Lecornu nói rằng hệ thống phòng không là tuyệt đối quan trọng và Pháp đang hỗ trợ Armenia bán 3 radar Thales GM 200 và một thỏa thuận về việc bàn giao tên lửa phòng không tầm ngắn Mistral trong tương lai.

“Lựa chọn của Armenia đặt mua hệ thống phòng không từ Pháp là một lựa chọn quan trọng. Điều đó không chỉ nhấn mạnh với Nga rằng Armenia có nhiều lựa chọn về hợp tác quốc phòng, mà còn đánh dấu một bước tiến lớn trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Armenia” – ông James Rogers, chuyên gia về UAV và tác chiến chính xác nói với Business Insider.

Các báo cáo hồi đầu tháng 11 cho thấy Armenia cũng đang mua thêm vũ khí từ Ấn Độ, trong đó có hệ thống chống UAV Zen được thiết kế để phát hiện và hạ gục UAV của đối phương. Năm 2022, Armenia đã mua 4 bệ phóng rocket đa nòng Pinaka do Ấn Độ sản xuất. Đây là đơn đặt hàng nước ngoài đầu tiên đối với hệ thống này.

Ông Nicholas Heras, giám đốc cấp cao về chiến lược và đổi mới tại Viện New Lines (Mỹ) nhận định Armenia đang thúc đẩy các chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của nước này theo hai hướng.

“Hướng thứ nhất là xây dựng các liên minh phòng phủ với các quốc gia hùng mạnh hơn tại Á Âu. Hướng thứ hai là cải thiện khả năng của quân đội Armenia trong việc phòng thủ trước sức mạnh của Azerbaijan trong các cuộc giao tranh chiến thuật” – ông Heras nói.

Ông Heras nói thêm: “Đặc biệt, Ấn Độ là đối tác quốc phòng được đánh giá cao với Armenia vì Ấn Độ có ngành quốc phòng rộng lớn có thể trang bị và cải tiến các nền tảng vũ khí của Nga mà Armenia triển khai”.

Kho vũ khí quân sự của Armenia từ lâu chủ yếu là những vũ khí do Nga sản xuất, nhưng Armenia đã cố gắng thay đổi điều đó khi mối quan hệ giữa nước này với Nga xấu đi, đặc biệt là sau khi Armenia thất bại nặng nề trong cuộc xung đột với Azerbaijan năm 2020. Trong cuộc xung đột lần đó, Azerbaijan đã sử dụng vũ khí do Israel và Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo.

Nga đã không hỗ trợ Armenia dù nước này là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu. Nga cũng rất khó chịu trước việc Armenia xích lại gần Mỹ và phương Tây dưới thời Thủ tướng Nikol Pashinyan – người từ lâu đã nghi ngờ về giá trị tư cách thành viên CSTO.

“Quan hệ đối tác giữa Armenia với Nga đang ở mức thấp, và ông Pashinyan thúc đẩy một cách chậm rãi nhưng chắc chắn để đưa Armenia gần hơn tới NATO, trong đó có triển vọng bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ” – ông Heras nhận xét.

Armenia hướng tới xây dựng quan hệ với Mỹ

Ông Heras nói thêm trong 2 năm qua, Mỹ đã gửi tín hiệu mạnh mẽ rằng họ muốn thử nghiệm triển vọng về mối quan hệ an ninh Mỹ-Armenia mang tính chiến lược hơn.

Mỹ và Armenia dường như đã thể hiện mối quan tâm chung trong quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn hồi tháng 9, khi Armenia tổ chức cuộc diễn tập song phương tập trung vào huấn luyện cho các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Thấy gì từ việc đồng minh Armenia của Nga mua vũ khí của Pháp, Ấn Độ?
Binh sĩ Armenia tại lễ khai mạc cuộc tập trận chung Eagle Patner 2023 giữa Armenia và Mỹ tại Trung tâm huấn luyện Zar ở ngoại ô TP Ashtarak (Armenia). Ảnh: Handout/Armenian Defense Ministry/AFP

Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Mỹ tại Armenia cho hay 85 binh sĩ Mỹ đã huấn luyện cùng với 175 binh sĩ Armenia trong cuộc diễn tập. Đây là minh chứng cho mối quan hệ đối tác lâu dài của Mỹ với Armenia và được xây dựng trong nhiều thập niên hợp tác an ninh và gìn giữ hòa bình thành công.

Nga đã phản đối cuộc diễn tập và Armenia đã giữ khoảng cách với Nga từ đó. Ông Pashinyan đã không tham dự hội nghị của CSTO hồi giữa tháng 11 – động thái mà Nga cáo buộc là do phương Tây dàn dựng.

“Armenia dưới thời Thủ tướng Pashinyan đã cố gắng rời xa Nga bằng cách xây dựng một mạng lưới đối tác chiến lược. Ông Pashinyan không muốn phụ thuộc vào Nga để đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Armenia, và nỗ lực của ông trong việc xây dựng mối quan hệ với Mỹ là nhằm hướng tới mục tiêu này” – ông Heras nói.

Việc mua vũ khí từ các nước khác cũng nhằm phục vụ mục đích tương tự, nhưng việc mua sắm vũ khí gần đây của Armenia cũng phản ánh sự nhạy cảm vị thế quốc tế của nước này.

Ông Rogers cho rằng tâm bắn rất quan trọng trong chiến tranh và cho phép tấn công vào nhiều mục tiêu hơn.

“Do đó, để không gây bất ổn trong khu vực và có nguy cơ bùng phát xung đột, Armenia và Pháp đã thống nhất về hệ thống phòng không tầm ngắn hiệu quả này” – ông Rogers nói.

Tên lửa Mistral mà Armenia đặt mua từ Pháp có tầm bắn tương đối ngắn, khoảng 6 km.

Cái khó của Armenia

Theo chuyên gia Heras, khó khăn lớn mà chính sách đối ngoại của Armenia phải đối mặt là nước này không đủ khả năng để cắt đứt quan hệ với Nga bất chấp những căng thẳng gần đây, nhưng họ cũng không tin Nga sẽ đứng về phía họ nếu lại nổ ra một cuộc xung đột khác với Azerbaijan.

Thấy gì từ việc đồng minh Armenia của Nga mua vũ khí của Pháp, Ấn Độ?
Tên lửa Mistral. Ảnh: MBDA-Systems

Việc Armenia mong muốn đạt được sự cân bằng giữa Nga và các đối tác mới trong khi củng cố quân đội quy mô nhỏ với nguồn lực hạn chế làm phức tạp nhiệm vụ của nước này.

Armenia cần mua vũ khí để cải thiện khả năng theo đuổi “chiến lược con nhím”, khiến nước này trở thành mục tiêu “khó nhằn” hơn với Azerbaijan nếu hai nước lại xảy ra chiến tranh, ông Heras nói.

Việc mua vũ khí phòng không tầm ngắn từ Pháp và Ấn Độ có thể được sử dụng trong các đơn vị bộ binh nhỏ. Đây là cách hiệu quả về mặt chi phí để áp đặt chi phí cao hơn lên sức mạnh UAV của Azerbaijan, ông Heras nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm