ASEAN nỗ lực giúp giải quyết khủng hoảng Myanmar

Ngày 24-2 (giờ địa phương), hãng tin Reuters cho biết ngoại trưởng Myanmar do quân đội bổ nhiệm là ông Wunna Maung Lwin đã đến thăm chính thức Thái Lan. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của một quan chức cấp cao Myanmar kể từ sau cuộc chính biến đầu tháng 2. Tại đây, ông Maung Lwin có phiên hội đàm chung với Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai và Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi (cũng đang thăm Thái Lan) về các giải pháp của khối ASEAN cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar.
Tiêu điểm
Phe quân đội và phe dân sự Myanmar thật sự chỉ có thể hợp tác và nghe theo các động thái hòa giải của ASEAN vì nếu không thì các cường quốc và tổ chức ngoài khu vực sẽ buộc phải can thiệp dù muốn hay không. Kịch bản đó sẽ không có lợi cho bất kỳ bên nào ở Myanmar. 
TS NEHGINPAO KIPGEN, 
ĐH Jindal (Ấn Độ)  
Họp báo sau hội đàm, bà Retno cho hay chính quyền và người dân Indonesia rất kỳ vọng các vấn đề Myanmar sẽ được giải quyết trên tinh thần cởi mở và thiện chí. Bà cho biết những ngày qua phía Indonesia đã trao đổi nhiều lần với cả phe quân đội lẫn đại diện chính quyền dân sự Myanmar để kêu gọi các bên kiềm chế sử dụng bạo lực, tránh đổ máu không cần thiết. 
“Với tư cách là một thành viên của ASEAN, các bên ở Myanmar nên tôn trọng và áp dụng các nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN để tìm kiếm đồng thuận” - theo bà Retno. Các nguyên tắc này bao gồm cam kết tuân thủ luật pháp, thiết lập hệ thống quản trị hiệu quả, quản trị theo hiến pháp và hành xử dân chủ. 
Nhiều khó khăn, rào cản
Theo tờ South China Morning Post, không tính tới những cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc (LHQ) thì hiện tại ASEAN là tổ chức duy nhất trong khu vực có đủ nguồn lực và ảnh hưởng để tìm hướng đi cho Myanmar. 
Tuy nhiên, đến nay ASEAN chưa tổ chức phiên họp chung nào về tình hình ở Myanmar mặc cho lời đề nghị của nhiều thành viên trong khối như Singapore, Malaysia, Brunei và Indonesia. Điều này nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến việc tìm ra tiếng nói chung của toàn ASEAN về vấn đề Myanmar trong khi cuộc khủng hoảng ở đây càng để lâu càng nghiêm trọng. 
Một thách thức khác mà ASEAN cũng đang gặp phải nằm ở nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của thành viên. Về cơ bản, đây là một nguyên tắc tích cực vì mỗi quốc gia đều có những đặc thù về văn hóa, chính trị, lịch sử và việc tôn trọng những khác biệt đó giúp kiến tạo nền tảng cho một tổ chức vững mạnh, bình đẳng. 
Tuy nhiên, trong kịch bản xảy ra khủng hoảng về an ninh có nguy cơ ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định toàn khu vực, như những gì đang xảy ra ở Myanmar, thì nguyên tắc không can thiệp lại trở thành một rào cản. ASEAN không thể trực tiếp có các động thái nhanh chóng tháo gỡ vấn đề mà chỉ có thể áp dụng các biện pháp gián tiếp như họp bàn chung và cùng đưa ra các thông điệp ngoại giao. Tờ The Nikkei còn cho rằng đây có thể là lý do làm nhiều nước ASEAN chưa chủ động trong vấn đề Myanmar vì những nước này lo ngại vi phạm nguyên tắc không can thiệp. 
Với những khó khăn nói trên, lựa chọn khả dĩ cho ASEAN ở giai đoạn trước mắt vẫn là đóng vai trò trung gian để phe dân sự và phe quân đội Myanmar có thể ngồi xuống đối thoại trong hòa bình, như những gì Indonesia đang làm hiện nay. Nếu chỉ có mỗi Indonesia thì không thể đủ sức để tạo ra thay đổi mà cần có thêm nhiều nước khác cùng chung tay vào nỗ lực này - tìm được tiếng nói chung trong nội bộ khối là chìa khóa.
Về dài hạn, khối nên tìm kiếm một giải pháp lâu dài hơn cho nguyên tắc không can thiệp, thiết lập một cơ chế chuyên trách xử lý khủng hoảng an ninh - chính trị hoặc đề ra một số ngoại lệ cần thiết để vừa xử lý được vừa không xâm phạm những giá trị mà ASEAN đang theo đuổi.

Người dân Myanmar biểu tình trên đường phố TP Mandalay ngày 22-2.
Ảnh: AP

Mỹ, Trung đặt nhiều niềm tin vào ASEAN
Đến nay sức ép từ cộng đồng quốc tế lên chính quyền quân sự Myanmar vẫn chưa có dấu hiệu giảm, tỉ lệ thuận với mức độ bạo lực ngày càng tăng trong các lần đụng độ giữa phe biểu tình và lực lượng cảnh sát. Đi kèm với sức ép này là sự kỳ vọng ASEAN sẽ tăng hơn nữa vị thế của mình trong giải quyết khủng hoảng ở đây. 
Gần đây nhất, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 24-2 đã có điện đàm với người đồng cấp, ông Dato Erywan Yusof của Brunei - nước đang đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên ASEAN. Hai bên nhất trí ASEAN cần làm nhiều hơn và chủ động hơn trong vấn đề Myanmar và phía Mỹ tin tưởng ASEAN hoàn toàn đủ khả năng cho trọng trách này, theo hãng tin AP. The Nikkei dẫn nhiều nguồn tin cho biết ông Blinken từ đầu tháng 2 đã nhiều lần liên lạc với một số nước ASEAN ngỏ ý muốn tổ chức họp cấp bộ trưởng với toàn khối nhưng đề nghị này đến nay vẫn chưa thực hiện được. 
Trong khi đó, về phía Trung Quốc, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi ngày 19-2, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị khẳng định một Myanmar hòa bình và ổn định là điều quan trọng với cả Trung Quốc lẫn ASEAN.
Theo ông Vương, Trung Quốc ủng hộ ASEAN phát huy vai trò phù hợp trong việc xoa dịu tình hình hiện tại ở Myanmar theo phương thức ASEAN, tức bằng các biện pháp như triệu tập cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao không chính thức, tuân thủ nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ và xây dựng đồng thuận để sớm tạo được những đóng góp mang tính xây dựng cũng như trao đổi cụ thể với phía Myanmar.•

 Hãng tin AFP ngày 25-2 cho biết 137 tổ chức phi chính phủ (NGO) từ 31 quốc gia vừa ký thư ngỏ kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ cần lập tức áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Myanmar để ngăn chặn tình trạng bạo lực ở đây. 

Thư ngỏ cũng kêu gọi những nước vẫn đang bán vũ khí cho Myanmar, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Triều Tiên, Philippines, Nga và Ukraine, cũng ngay lập tức dừng cung cấp bất kỳ vũ khí, đạn dược và trang thiết bị liên quan. Trong số các nước trên, hiện Trung Quốc và Nga đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ - vốn có quyền phủ quyết, còn Ấn Độ đang là thành viên không thường trực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm