Đài CNN ngày 23-6 đưa tin giới chức bang Maharashtra đầu tuần này cho biết họ đang xem xét các thỏa thuận với ba công ty Trung Quốc trong lúc chờ chỉ đạo của chính phủ trung ương về việc có nên triển khai các hợp đồng này hay không hoặc triển khai như thế nào.
Các thỏa thuận sơ bộ giữa chính quyền bang Maharashtra, Ấn Độ, với ba công ty Trung Quốc được công bố tuần trước, như một phần sáng kiến của địa phương nhằm vực dậy nền kinh tế sau COVID-19, trong bối cảnh tăng trưởng của Ấn Độ vốn đã chậm lại trước khi xảy ra khủng hoảng.
Binh sĩ Ấn Độ tại một trại dã chiến gần Ladakh. Ảnh: THE HINDU
Tuy nhiên, ông Subhash Desai, Bộ trưởng Công nghiệp của bang Maharashtra, hôm 22-6 viết trên Twitter rằng các quan chức của ông đang chờ chính phủ đánh giá về môi trường kinh doanh hiện tại, cũng như công bố chính sách rõ ràng về cách thực hiện những thỏa thuận với các công ty Trung Quốc.
Theo giới chức Ấn Độ, hợp đồng lớn nhất bị “soi” trị giá 500 triệu USD, với đối tác liên quan là công ty sản xuất ô tô Great Wall Motors, có trụ sở ở tỉnh Hà Bắc. Hai hợp đồng còn lại liên quan đến các công ty Hengli Engineering, tỉnh Hà Nam, và Foton Motor - tập đoàn ô tô có trụ sở ở Bắc Kinh vốn đã liên doanh với công ty xe điện Ấn Độ PMI.
Động thái của giới chức Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh leo thang vì vụ ẩu đả ở Thung lũng Galwan, vùng Ladakh tại biên giới hai nước hôm 15-6, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và 76 người bị thương. Một số lượng không xác định binh sĩ Trung Quốc cũng đã thiệt mạng, bao gồm một chỉ huy cấp cao, trong vụ ẩu đả kéo dài nhiều giờ, theo đài NDTV.
Thương vong đáng kể bên phía Ấn Độ đã khiến người dân và nhiều quan chức Ấn Độ phẫn nộ, kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc. Tờ Hindustan Times đưa tin các chỉ huy quân đội hai bên hôm 23-6 đã đồng ý rút khỏi khu vực tranh chấp.
NDTV dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 23-6 cho biết trong một cuộc họp trực tuyến giữa Nga với Trung Quốc và Ấn Độ rằng New Delhi và Bắc Kinh không cần sự hỗ trợ bên ngoài nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại giữa hai bên.