Bà Mimi Vũ: 'Khi quê hương còn cần thì tôi vẫn ở lại'

(PLO)- Bà Mimi Vũ là nữ kiều bào tư vấn thực hiện nhiều dự án gắn lợi ích kinh tế với môi trường tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xuyên suốt hành trình trở về và 16 năm ở lại Việt Nam, bà Mimi Vũ, nữ kiều bào Mỹ, chuyên gia tư vấn phát triển, phòng chống nạn mua bán người, vẫn luôn tâm niệm sẽ dùng những kiến thức, kinh nghiệm đời mình để đóng góp cho quê hương, đất nước. Sự phát triển ấy không chỉ có lợi ích kinh tế mà còn gắn với việc bảo vệ môi trường, xã hội, làm cho người Việt sống tốt hơn.

Hơn cả bổn phận, đó tình yêu quê hương

Bà Mimi Vũ sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nhỏ tại Mỹ. Dù trong làng không có gia đình gốc Việt nào khác nhưng từ nhỏ bà Mimi Vũ và anh chị em đã sống trong văn hóa Việt, lớn lên bằng món ăn Việt và nói tiếng Việt. Dòng máu Việt luôn chảy trong người bà như thế.

Bà Mimi Vũ (thứ ba từ trái sang) cùng các kiều bào và đại diện Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM dâng hoa trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: MINH HOÀNG

Bà Mimi Vũ (thứ ba từ trái sang) cùng các kiều bào và đại diện Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM dâng hoa trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: MINH HOÀNG

Bố mẹ bà luôn tự hào về văn hóa Việt Nam, mỗi tháng đều dành một ngày lái xe 3 tiếng đồng hồ để đi mua gia vị và thức ăn Việt về dự trữ. “Chúng tôi mang quốc tịch Mỹ, khi ra khỏi nhà là người Mỹ nhưng khi bước chân vào nhà đều phải nói tiếng Việt, ăn món Việt, mỗi tháng chỉ ăn đồ Tây một lần thôi. Bố mẹ sợ chúng tôi mất gốc Việt nên luôn dạy về văn hóa, truyền thống quê hương. Thậm chí khi chúng tôi học giỏi, bố mẹ cũng nói đó là nhờ nguồn gốc Việt” - bà Mimi Vũ mỉm cười.

Ươm mầm tình yêu dành cho quê hương là thế nhưng hơn 20 năm từ khi sinh ra, bà Mimi Vũ vẫn chưa một lần được về Việt Nam. Mãi đến khi học lên thạc sĩ với chuyên ngành phát triển toàn cầu, một bước ngoặt đã đến với bà. “Trong khi tôi có kế hoạch học lên tiến sĩ thì bố nói tôi phải về Việt Nam, lấy kinh nghiệm và những gì đã học để giúp cho quê hương, đó là bổn phận”.

Dưới sự động viên của người cha, năm 2006, bà Mimi Vũ gửi hồ sơ xin việc đến một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam và hai tuần sau, bà được nhận lời đề nghị làm việc ở Đà Nẵng. “Có thể lúc đầu tôi về vì bổn phận nhưng nếu chỉ là bổn phận thì tôi đã rời đi sau hai năm rồi. Tôi nghĩ điều giữ mình ở lại đến giờ là tình yêu dành cho quê hương và mong muốn đóng góp cho mảnh đất cha ông” - bà Mimi Vũ chia sẻ khi trải lòng cảm giác được hít thở, ăn uống ở Việt Nam trong 16 năm qua, dù một mình nhưng không khác gì đang sống cùng gia đình vậy.

Dù sống một mình ở Việt Nam nhưng bà Mimi Vũ có cảm giác được sống trong gia đình mình. Ảnh: LÊ THOA

sống một mình ở Việt Nam nhưng bà Mimi Vũ cảm giác được sống trong gia đình mình. Ảnh: LÊ THOA

Dung hòa lợi ích doanh nghiệp hội

Làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, bà Mimi Vũ có dịp đến nhiều nước trên thế giới và trải nghiệm văn hóa, cuộc sống của nhiều vùng, miền tại Việt Nam. Dần dần việc hiểu sâu và hòa đồng với con người, truyền thống của văn hóa ĐBSCL, Bắc Trung Bộ hay Tây Bắc trong những chuyến đi thực tế trở thành niềm đam mê của bà. “Tôi mang quốc tịch Mỹ nhưng là người Việt Nam và tôi cũng là người kết nối hai nền văn hóa với nhau”.

Ấp ủ khát vọng góp phần làm cho quê nhà trở nên thịnh vượng, bà Mimi Vũ luôn giữ quan điểm: Việt Nam muốn phát triển bền vững thì phải dung hòa giữa lợi ích kinh tế và các vấn đề môi trường, xã hội. Đó là lý do bà hoạt động trong công ty về lĩnh vực tư vấn môi trường và xã hội.

Bằng những am hiểu của mình, bà giúp nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển gắn lợi ích kinh tế với môi trường và xã hội cho nhiều địa phương, đưa ra lời giải cho những vấn đề xã hội mà nhà đầu tư gặp phải. “Nhiều nhà kinh doanh chỉ nhìn thấy lợi ích kinh tế, do đó tôi giúp họ thấy tất cả vấn đề khi đầu tư tại Việt Nam và hỗ trợ họ giải quyết”.

Vừa qua, bà Mimi Vũ có đối tác là một công ty về nông nghiệp muốn mở rộng trồng rau sạch tại miền Tây. Vấn đề họ gặp chính là môi trường nước mặn, đất đai khô cằn và thiếu nhân công là nữ do nhiều nông dân ở đây không còn làm nông mà chuyển sang làm công nhân. Nhận thấy đây là cơ hội giúp khu vực này có thể phát triển kinh tế cũng như tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, tránh bị lừa bán sang biên giới, bà Mimi Vũ đề nghị nhà đầu tư thu hút nữ nhân công bằng cách tài trợ các chương trình học về lĩnh vực nông nghiệp, quản lý tiền, rèn luyện sự tự tin và tư duy phản biện. “Tôi nghĩ nếu những người phụ nữ yếu thế ấy có kiến thức, công việc ổn định, tự tin hơn thì cuộc sống sẽ tốt hơn và sẽ không bị lừa bán sang nước ngoài”.

Đây là cách làm mới, không nhiều công ty chọn ở Việt Nam. Theo mô hình đó, lợi ích kinh tế của doanh nghiệp hài hòa với lợi ích xã hội. Hướng triển khai này có nhiều hứa hẹn, nhất là ở một đất nước đang phát triển có nhiều người còn khó khăn. Bà cảm nhận nhiều nhà kinh doanh trẻ đang thay đổi, không chỉ chăm chăm lợi ích kinh tế mà nghĩ nhiều hơn về các tác động đến xã hội, con người. Dù vậy, một số người muốn làm nhưng chưa có kinh nghiệm hoặc chưa tìm ra đối tác thích hợp.

“Khi nào quê hương còn cần thì tôi vẫn ở lại. Ở lại không chỉ với vai trò thực hiện mà tôi mong muốn được hướng dẫn, đào tạo những thế hệ mới tiếp nối công việc này”.

Bố mẹ bà Mimi Vũ dù ít nói thành lời nhưng rất tự hào và ấm lòng về những việc bà đang làm. Điều này tiếp thêm động lực để bà tiếp tục ở lại đóng góp cho Tổ quốc của mình.

Đấu tranh với nạn mua bán người

Là một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực phòng chống nạn mua bán người, bà Mimi Vũ từng bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu và gặp gỡ các nạn nhân là người Việt đã hoặc đang trên đường sang nước ngoài, thậm chí đang ở trong tù.

Bà nhận thấy phụ nữ miền Tây thường bị bán sang Campuchia, Malaysia, Trung Quốc để làm vợ hoặc làm công. Trong khi đó, nam thanh niên ở khu vực phía Bắc như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng đã hình thành một thói quen trong nhà phải có người xuất khẩu lao động sang châu Âu.

“Gặp họ ở châu Âu, tôi thấy không ai dám nói cho người nhà biết rằng mình đang cực khổ, khó khăn. Có người còn chụp ảnh một công trình gửi cho vợ nói dối đây là dự án đang làm” - bà Mimi Vũ kể.

Nhiều năm qua, bà Mimi Vũ đã nỗ lực tuyên truyền, cảnh báo về nạn mua bán người trên các chương trình truyền hình trong và ngoài nước. Bà cùng đối tác thực hiện các bộ phim; trao đổi với lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, công an… với mong muốn mỗi người trong xã hội dừng lại để suy nghĩ một chút trước các nguy cơ của tệ nạn này. “Tôi biết đây là cuộc chiến rất dài nhưng tôi không ngại vì đơn giản mỗi việc tôi làm đều gắn với hy vọng quê hương mình phát triển hơn” - bà Mimi Vũ thổ lộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm