Bà Trương Mỹ Lan điều hành 'đế chế' Vạn Thịnh Phát hơn 1.000 công ty con ra sao?

(PLO)- Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan điều hành, chỉ đạo có hơn 1.000 pháp nhân, sở hữu dự án lớn như dự án Mũi Đèn Đỏ, dự án Sterling Residence... 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn này xây dựng hệ sinh thái lên tới hơn 1.000 doanh nghiệp.

Với số lượng doanh nghiệp rất lớn, dư luận không khỏi thắc mắc hệ sinh thái này hoạt động ra sao, bà Trương Mỹ Lan đã vận hành hàng nghìn doanh nghiệp như thế nào.

Trương Mỹ Lan
Bà Trương Mỹ Lan

Mạng lưới 1.000 pháp nhân, nhiều dự án lớn

CQĐT xác định hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát có hạt nhân là Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) có vốn điều lệ 13.000 tỉ đồng.

Doanh nghiệp này giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.

Người đại diện theo pháp luật là bà Trương Huệ Vân, cháu bà Trương Mỹ Lan. Trong vụ án này, bà Vân bị đề nghị truy tố tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về hoạt động cho vay.

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có 4 cổ đông gồm bà Trương Mỹ Lan chiếm 60%, hai con gái bà Lan là Elizabeth Chu Yuet Han (Chu Duyệt Hằng) chiếm 10%; Mary Chu Yuet Fan (Chu Duyệt Phấn) chiếm 10%. Công ty Emerald, đại diện là bà Trương Huệ Vân chiếm 20%.

Trong hệ thống Vạn Thịnh Phát, hơn 1.000 công ty được chia thành công ty con, công ty thành viên ở trong và ngoài nước, chia thành nhiều tầng lớp với 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau gồm nhóm định chế tài chính, nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhóm các công ty “ma’’ tại Việt Nam và cuối cùng là mạng lưới công ty tại nước ngoài.

Có 3 doanh nghiệp quan trọng trong vụ án gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát; Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula; Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú.

Các công ty này nắm giữ nhiều dự án lớn như Công ty Đầu tư Vạn Thịnh Phát có dự án dự án Khu dân cư Sterling Residence thuộc Khu đô thị mới Nam thành phố ở huyện Bình Chánh với quy mô 264.633m2.

Công ty Peninsula sở hữu dự án khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị tại quận 7 (TP.HCM) với quy mô dự án gần 1,2 triệu m2. Hiện dự án đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư, chưa được phê duyệt dự án, chưa được giao đất.

Tòa nhà Times Square tại Nguyễn Huệ (TP.HCM) cũng thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Một số công ty có hoạt động kinh doanh, tạo doanh thu cho nhóm Vạn Thịnh Phát như Công ty Windsor, Công ty An Đông, Công ty Time Square Việt Nam, Công ty Thiên Phúc, Công ty Vinametric, Công ty Bông Sen, Công ty Sài Gòn Artisans, Công ty LaviFood…

Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan còn cho thành lập nhóm các công ty “ma’’, thuê người đứng tên thành lập công ty dưới vai trò người đại diện theo pháp luật, cổ đông, thành viên góp vốn, tìm địa chỉ đặt trụ sở, chọn ngành nghề kinh doanh… Nhóm công ty này không có hoạt động kinh doanh, chỉ đứng tên khoản vay, lập phương án vay vốn khống để bà Trương Mỹ Lan hợp thức hóa rút tiền Ngân hàng SCB.

Dùng ngân hàng làm công cụ thanh toán nợ

Quá trình hoạt động, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập, chuyển nhượng, sử dụng hàng ngàn pháp nhân để đứng tên khoản vay, chuyển-nhận tiền từ nước ngoài, phát hành trái phiếu, đứng tên dự án, cơ cấu lại sở hữu cổ phần giữa các công ty, chuyển nhượng cổ phần tài sản cho các cá nhân. Việc này nhằm mục đích nâng giá trị tài sản, lập phương án rút tiền ra khỏi Ngân hàng SCB.

Tại CQĐT, bà Trương Mỹ Lan khai khi các khoản vay trước tại Ngân hàng SCB đến hạn mà không có tiền, bà Lan sẽ đi gặp bạn bè mượn tài sản, dự án hoặc lấy tài sản của mình đưa vào làm tài sản bảo đảm để vay mới, lấy tiền ra rồi xử lý các khoản vay trước đó.

Các tài sản này thường không đủ giá trị để đảm bảo giải quyết cho số tiền vay. Để giải quyết việc này, bà Lan chỉ đạo thuê thẩm định giá nâng giá trị tài sản bảo đảm.

Đáng chú ý, khi cần chuyển nhượng, mua bán tài sản, dự án với các đối tác, bà Trương Mỹ Lan sử dụng Ngân hàng SCB làm công cụ rút tiền.

Theo kết luận điều tra, cuối năm 2020, bà Lan muốn chuyển nhượng lại cho Công ty Tường Việt Dự án Thanh Yến với giá 2.500 tỉ đồng. Phía Công ty Tường Việt không cần thanh toán tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng SCB để nhận nợ.

Bà Trương Mỹ Lan yêu cầu số tiền nhận nợ là 3.500 tỉ đồng, trong đó 2.500 tỉ đồng là tiền nhận chuyển nhượng dự án, 1.000 tỉ đồng bà Lan sử dụng và có trách nhiệm trả SCB.

Sau đó, nhóm Tường Việt phối hợp với các nhân sự SCB lập khống hồ sơ 2 khoản vay và được giải ngân 3.500 tỉ đồng. Số tiền này được chuyển lòng vòng vào tài khoản nhiều cá nhân, công ty để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau của bà Lan.

Lũy kế giai đoạn 2012-2022, Ngân hàng SCB đã cho hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay hơn 1 triệu tỉ đồng. Trong đó, CQĐT xác định bà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt 304.000 tỉ đồng, gây thiệt hại hơn 129.000 tỉ đồng ở hành vi tham ô tài sản, gây thiệt hại hơn 64.000 tỉ đồng ở hành vi vi phạm quy định hoạt động ngân hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm