Trung Quốc (TQ) tiếp tục đầu tư cho các hoạt động quân sự và vũ khí theo xu hướng gia tăng tiềm lực quân sự, chống tiếp cận/ngăn chặn khu vực, tập trung cho hoạt động không gian mạng, không gian và các lĩnh vực phát triển điện từ.
Ngày 13-5 (giờ địa phương), phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng phụ trách Đông Á Abraham M. Danemark đã công bố với báo chí báo cáo thường niên về phát triển quân sự và an ninh liên quan đến TQ.
Gia tăng hoạt động hàng hải
Theo trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ, báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc ghi nhận TQ tiếp tục tập trung cho xung đột tiềm tàng ở eo biển Đài Loan và chú trọng các kế hoạch đối phó ở biển Đông, biển Hoa Đông và bán đảo Triều Tiên.
Báo cáo nhận xét dù tăng trưởng kinh tế chậm lại, TQ vẫn tăng chi tiêu quốc phòng. Năm 2006-2015, TQ công bố tăng ngân sách quốc phòng 9,8%/năm. Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá ngân sách này năm 2015 đạt trên 180 tỉ USD.
Theo báo cáo, chương trình hiện đại hóa quân sự của TQ bước vào giai đoạn mới trong năm 2015 theo ba xu hướng:
• Hoạt động hàng hải: TQ đã áp dụng các chiến thuật hung hăng để chiếm các tiền đồn có sẵn và xây dựng cơ sở quân sự trên quy mô lớn ở biển Đông trong năm 2015. Chiến lược của TQ là bảo đảm các mục tiêu thực hiện yêu sách chủ quyền mà không làm ảnh hưởng hòa bình khu vực nhằm phát triển quân sự và kinh tế, từ đó lấy phát triển củng cố quyền lực.
• Gia tăng sự hiện diện quân sự trên thế giới: TQ đã lợi dụng sức mạnh quốc gia để bành trướng ảnh hưởng quốc tế và gia tăng quân sự ở nước ngoài. Ví dụ rõ nhất là lập căn cứ quân sự ở Djibouti.
• Cải tổ quy mô lớn để quân đội hiệu quả hơn, trung thành hơn: Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố kế hoạch cải tổ quân đội bằng cách bố trí lại các quân khu để quân đội có thể tham gia các chiến dịch phối hợp, ngoài ra còn lập ra các cơ quan mới giám sát quân đội để củng cố vai trò lãnh đạo của đảng.
Phó trợ lý Abraham M. Danemark giải thích động thái của Mỹ đối với TQ bao gồm giảm thiểu nguy cơ, mở rộng lĩnh vực chung và duy trì sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ.
Mỹ đã đạt được tiến bộ với TQ về “Các quy tắc hành xử an toàn tránh va chạm trên không và trên biển” và “Thông báo các hoạt động quân sự chủ yếu”. Quân đội Mỹ cũng đã hợp tác với quân đội TQ về cung cấp lợi ích cộng đồng quốc tế như cứu trợ nhân đạo, cứu hộ thảm họa, chống cướp biển, các chiến dịch duy trì hòa bình, tìm kiếm, cứu nạn và quân y. Mục đích nhằm tìm các giải pháp giảm hiểu nhầm và tính toán sai lầm.
Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc kèm hình ảnh Trung Quốc bồi đắp đá Su Bi thành đảo nhân tạo. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ
Bốn điều kiện tiên quyết
Trong khi đó, báo New York Times ngày 13-5 (giờ địa phương) ghi nhận TQ đang tiếp tục vận động trong các quan hệ ngoại giao và công chúng nhằm tìm kiếm ủng hộ trước khi Tòa Trọng tài thường trực La Haye công bố phán quyết.
Ngày 12-5, tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Vụ trưởng Vụ Điều ước và Pháp luật (Bộ Ngoại giao Trung Quốc) Tô Hoành cho rằng Tòa Trọng tài thường trực không có quyền tài phán và phán quyết của tòa vô hiệu về luật pháp quốc tế.
Ông cho rằng phải đáp ứng bốn điều kiện tiên quyết thì phán quyết mới có hiệu lực:
• Nếu vấn đề nằm ngoài Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) thì không thể giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài. Nếu như có giải quyết thì tòa không có quyền tài phán.
• Một nước đã ký UNCLOS có thể tuyên bố không chấp nhận giải quyết bằng phương thức trọng tài đối với các tranh chấp về phân giới trên biển, vịnh, chuẩn mực lịch sử, hoạt động quân sự và áp dụng luật.
• Nếu các bên liên quan đến tranh chấp chấp thuận phương thức giải quyết khác, không bên nào có thể đơn phương áp dụng phương thức trọng tài bắt buộc.
• Các bên liên quan đến tranh chấp có nghĩa vụ phải thảo luận trước phương thức giải quyết. Trong khi đó, Philippines chưa bao giờ thỏa thuận với TQ.
Một ngày sau, tiếp xúc với báo giới ở Hong Kong, Phó Ủy viên Bộ Ngoại giao TQ ở Hong Kong Tống Như An tuyên bố: “Khi đơn phương xúc tiến trọng tài, phía Philippines đã áp đặt ý chí của mình cho những người khác… TQ sẽ không chấp nhận hay thừa nhận phán quyết trọng tài”.
Sau đó, hãng tin Kyodo đưa tin trong hội đàm hôm 12-5 giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe với người đồng cấp Kuwait ở Tokyo, hai bên đánh giá TQ âm mưu đơn phương thay đổi nguyên trạng ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Lập tức người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Lục Khảng tuyên bố Kuwait có tham dự Diễn đàn Hợp tác TQ-Các nước Ả Rập ở Doha (Qatar) hôm 11-5 và diễn đàn này đã kêu gọi các nước Ả Rập ủng hộ quan điểm của TQ về giải quyết tranh chấp ở biển Đông qua đàm phán trực tiếp. Ông còn nói Venezuela, Mauritania, Gabon và một số nước khác cũng ủng hộ quan điểm của TQ.
Báo New York Times ghi nhận trong chiến dịch tranh thủ ý kiến quốc tế ủng hộ, TQ thường chú ý đến các nước nhỏ vốn phụ thuộc vào viện trợ hay thương mại của TQ. Chuyên gia Euan Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Nghiên cứu Lowy về chính sách quốc tế tại Sydney (Úc), giải thích với báo: Tòa Trọng tài thường trực có thể phán quyết “đường chín đoạn” của TQ là không hợp pháp, hoặc các bãi cạn hay mỏm đá TQ bồi đắp không phải là đảo. Như vậy xem như yêu sách chủ quyền của TQ không có giá trị và đó là lý do TQ mở chiến dịch tuyên truyền phản đối phán quyết trọng tài. |