Bắc Kinh tìm cách đối phó phán quyết trọng tài

Trung Quốc (TQ) tiếp tục mở chiến dịch phản công ngay trước khi Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye công bố phán quyết về vụ Philippines kiện “đường chín đoạn”.

Đài Truyền hình Trung ương TQ đưa tin ngày 7-5, Hiệp hội Luật quốc tế TQ đã tổ chức hội nghị thường niên tại TP Trường Xuân (tỉnh Cát Lâm) và đã đưa vụ kiện vào chương trình nghị sự.

Hội nghị nhất loạt đưa ra chỉ trích cho rằngTòa Trọng tài thường trực không có quyền tài phán đối với tranh chấp biển Đông, bởi vậy TQ không tham gia vụ kiện.

GS Mã Trần Nguyên ở ĐH Chính trị học và Luật cho rằng vụ kiện trọng tài là sai trái vì Philippines đã phá vỡ thỏa thuận với TQ rằng tranh chấp phải được giải quyết qua đàm phán song phương để đơn phương xúc tiến vụ kiện trọng tài.

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 6-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi khẳng định TQ sẽ không bao giờ công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực vì phán quyết này là bất hợp pháp.

Tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis trên biển Đông ngày 25-4-2016. Ảnh: TIME

Đại sứ TQ tại Philippines Triệu Giám Hoa cũng chỉ trích TQ đã sẵn sàng đàm phán song phương nhưng Philippines không đàm phán mà lại đi kiện ra Tòa Trọng tài thường trực.

Nhằm thổi phồng quan điểm phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực là vô giá trị, Tân Hoa xã ngày 7-5 đã đăng bài phỏng vấn đại sứ TQ tại Sri Lanka Dịch Tiên Lương.

Ông Dịch Tiên Lương tố một số nước sử dụng Tòa Trọng tài thường trực và Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) “vì mục đích chính trị nhằm bảo vệ quyền và lợi ích trái phép”.

Ông nói UNCLOS không phải là một cơ chế có thể giải quyết mọi vấn đề hàng hải vì “trong thực tế có nhiều tranh chấp hàng hải không được giải quyết thông qua UNCLOS” mà qua đàm phán.

Ông đổ trách nhiệm cho các nước ngoài khu vực kích động ở biển Đông để gây ra vấn đề giữa TQ với các nước trong khu vực.

Trong khi đó, AP nhận định trong những năm qua, Philippines đã dựa vào Mỹ để đối phó với TQ.

Mỹ hy vọng tổng thống mới ở Philippines phải là người tiếp tục thực hiện đường lối chiến lược của Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino III. Đó là tăng cường thắt chặt quan hệ với Mỹ nhằm đối phó với hành động hung hăng của TQ.

Philippines đã chấp thuận mở cửa các căn cứ quân sự cho Mỹ sau 1/4 thế kỷ. Đây là cú hích để Mỹ mở rộng sự hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn TQ.

Chuyên gia Marvin Ott, từng là nhà phân tích tình báo Mỹ, nhận định động thái của Philippines đã độc nhất vô nhị trong khu vực.

Hiện thời, ứng cử viên có thể tiếp nối các chính sách về biển Đông của Tổng thống Aquino là Mar Roxas, người được ông Aquino ủng hộ.

Dù vậy, Phó Chủ tịch Trung tâm Vì tiến bộ Mỹ Vikram Singh nhận định bất kỳ ứng cử viên nào làm tổng thống Philippines cũng có thể trì hoãn các thỏa thuận về cho phép quân đội Mỹ đến các căn cứ ở Philippines, tuy nhiên họ sẽ vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với Washington để gây sức ép đối trọng với Bắc Kinh.

Cuối tháng 4, đại sứ TQ tại Cameroon Ngụy Văn Hoa đã mời bộ trưởng Thông tin, các lãnh đạo báo chí nước sở tại cùng nhiều nhà báo đến dự tiệc gọi là “tiệc chiêu đãi hằng năm vinh danh báo chí Cameroon” tại đại sứ quán TQ ở Yaoundé. Diễn văn của ông Ngụy Văn Hoa đọc tại buổi tiệc phần lớn nói về biển Đông. Nội dung nhằm bênh vực cho luận điểm sai trái rằng quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) là lãnh thổ TQ, TQ phản đối vụ kiện trọng tài của Philippines. Bài diễn văn hàm ý TQ mong muốn được Cameroon ủng hộ.

_________________________________

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Katina Adams tuyên bố: “Chúng tôi nóng lòng trao đổi với chính quyền mới ở Philippines để củng cố quan hệ bền vững dù kết quả bầu cử như thế nào”. AP nhận định tuyên bố này cho thấy tầm quan trọng của cuộc bầu cử tổng thống Philippines đối với Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm