Bãi cạn Scarborough - lằn ranh đỏ

“Mây giông vần vũ trên biển Đông và Trung Quốc (TQ) là cột phóng điện”. Đó là nhận xét của GS danh dự Carlyle Thayer ở ĐH New South Wales (Úc) khi đề cập đến âm mưu quân sự hóa bãi cạn Scarborough của TQ (TQ chiếm bãi cạn của Philippines vào giữa năm 2012 và gọi là đảo Hoàng Nham).

Báo Washington Post dẫn lời các nhà phân tích nhận định bãi cạn Scarborough chính là lằn ranh đỏ của Mỹ bởi bãi cạn chỉ cách bờ biển Philippines 230 km và cách thủ đô Manila 370 km. Âm mưu của TQ là tạo ra sự đã rồi trước khi Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye đưa ra phán quyết đối với đơn kiện của Philippines về “đường chín đoạn”.

TS Thời Ân Hoằng ở ĐH Nhân dân Bắc Kinh cho biết: “Có nhận định phán quyết sẽ không nghiêng về TQ và có lo ngại các nước như Mỹ và Nhật tận dụng cơ hội này để gia tăng thách đố việc TQ đòi chủ quyền trong khu vực”. Ông xác nhận TQ có thể phản ứng lại bằng cách nạo vét bãi cạn Scarborough năm nay.

Hồi tháng 2, một trang web chuyên đề quân sự của TQ đã đăng kế hoạch mở rộng bãi cạn Scarborough thành đảo. Đến tháng 3, Đô đốc John M. Richardson, tư lệnh hải quân Mỹ, nói với hãng tin Reuters quân đội Mỹ phát hiện TQ đưa tàu thăm dò quanh bãi cạn này.

Ngày 25-4, báo South China Morning Post dẫn nguồn tin từ hải quân TQ cho biết Bắc Kinh sẽ cải tạo bãi cạn Scarborough trong năm nay.

Giữa tháng 4, hai bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Philippines đã lên tàu sân bay Mỹ USS Stennis lúc tàu ở biển Đông. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Nhà phân tích Mira Rapp-Hooper ở Trung tâm Vì an ninh Mỹ mới nhận định đang có những nỗ lực nhằm ngăn chặn Bắc Kinh leo thang căng thẳng.

Các chuyên gia nhận định điều này có nghĩa TQ sẽ vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Chuyên gia Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore khẳng định: “Đấy là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài của thỏa thuận (DOC)”.

Nhằm ngăn chặn phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực, TQ đang ráo riết vận động ngoại giao với sự ủng hộ của Nga.

Ngày 24-4, TQ tuyên bố đạt được nhất trí quan trọng với Campuchia, Lào và Brunei về tranh chấp biển Đông. Hai ngày sau, Bắc Kinh thông báo đạt được thỏa thuận tăng cường hợp tác hàng hải và an ninh với Indonesia.

Chuyên gia TQ Tạ Yến Mỹ ở tổ chức International Crisis Group dự báo: “TQ đang cố ý chia rẽ ASEAN. Nên khi có phán quyết sẽ không có một tuyên bố ASEAN đoàn kết hoặc kiên quyết ủng hộ phán quyết chống lại TQ”.

Báo Washington Post ghi nhận Washington không để yên. Mỹ đã đưa quân hiện diện thường trực đến năm căn cứ tại Philippines và bắt đầu tuần tra chung với Philippines ở biển Đông. Gần đây nhất, sáu máy bay Mỹ cất cánh từ Philippines đã bay tuần tra gần bãi cạn Scarborough.

Đại tá không quân Larry Card, chỉ huy không quân thuộc Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương (PACOM), tuyên bố: “Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo đảm tự do hàng không và hàng hải theo đúng luật pháp quốc tế… Tự do thương mại phụ thuộc vào khả năng lưu thông hàng hóa của chúng ta”.

Trong khi đó ngày 25-4, Bộ Quốc phòng TQ khăng khăng cho rằng “đảo Hoàng Nham thuộc lãnh thổ TQ, quân đội TQ sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh và toàn vẹn lãnh thổ” và Mỹ đang cổ súy quân sự hóa biển Đông nhân danh tự do hàng hải.

Chuyên gia Bonnie Glaser ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ) nhận xét: “Cần phải có một quyết định chính trị để khẳng định không thể chấp nhận TQ cải tạo bãi cạn Scarborough. Nhưng liệu Mỹ có thực sự muốn vạch ra lằn ranh đỏ ở đây? Và Mỹ sẽ làm gì nếu TQ vẫn cứ thực hiện ý đồ của họ?”.

Tân Hoa xã ngày 29-4 đã đăng bài viết rất ngược ngạo. Bài viết chỉ trích các tàu cá Philippines “đánh bắt trái phép” tại vùng biển quanh bãi cạn Scarborough trong khi thật ra bãi cạn thuộc chủ quyền Philippines. Với luận điệu như phía “kẻ cướp đất” là nạn nhân, bài viết kể khi các tàu tuần tra TQ yêu cầu các tàu cá Philippines rời khỏi bãi cạn, các ngư dân Philippines đã giơ dao dọa chém và ném vật gây cháy nhắm vào tàu và người trên tàu TQ.

Bài viết đã đưa ra yếu tố lịch sử để vơ bãi cạn Scarborough thuộc chủ quyền TQ trong khi bãi cạn cách TQ đến gần 900 km. Bài viết vu khống các ngư dân Philippines “có hành động khiêu khích”, hành động này đã diễn ra phổ biến mấy năm gần đây và từ đó “làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước”. Bài viết cũng chỉ trích Philippines đòi chủ quyền ở bãi cạn Scarborough phù hợp lúc Mỹ tiến hành chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương và tố Mỹ đứng sau Philippines để chống TQ.

Cùng ngày 29-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng phản đối phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nói TQ không thể vừa tham gia Công ước LHQ về Luật Biển lại vừa bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực La Haye.

Hôm trước đó, trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Thứ trưởng Antony Blinken nhấn mạnh TQ có nguy cơ mất uy tín nặng nề nếu không tuân thủ phán quyết trọng tài. Ông còn kêu gọi sau phán quyết trọng tài, các nước Đông Nam Á nên đoàn kết và ASEAN cần bày tỏ thái độ ủng hộ phán quyết.

Bà Hoa Xuân Oánh cho rằng Thứ trưởng Antony Blinken có thể đã có thông tin sai về bản chất tranh chấp ở biển Đông hay cố ý áp đặt sai trái cho TQ. Bà tiếp tục khẳng định TQ không chấp nhận vụ kiện của Philippines.

TNL

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm